Tương lai của các công ty fintech: Trở thành những ngân hàng độc lập
(DNTO) - Theo chuyên gia, tương lai trở thành các ngân hàng số của các các công ty fintech là không thể bàn cãi. Do đó cần sớm xây dựng khung pháp lý để giúp lĩnh vực này phát triển.
Cuộc cạnh tranh sòng phẳng của fintech
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có hơn 154 công ty fintech (công nghệ tài chính). Trong đó, chủ yếu các công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán (37 công ty), lĩnh vực cho vay ngang hàng P2P Lending (22 công ty) và trong lĩnh vực blockchain, crypto (22 công ty), theo Ngân hàng Nhà nước và MasOffer Fintech.
Đặc biệt, hoạt động chủ đạo của các công ty fintech trong những năm qua vẫn là kết hợp với các ngân hàng, chiếm 90%; trong mảng trung gian thanh toán, con số này là 100%. Tại các lĩnh vực khác, cú bắt tay giữa các công ty fintech và các ngân hàng cũng rất chặt chẽ, giúp khách hàng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng trên internet và thiết bị di động, thay vì tại các quầy giao dịch như trước.
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng ngân hàng tiếp tục bắt tay nhiều hơn với các fintech, thì ông Đỗ Danh Thanh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ chuyển đổi số và chiến lược công nghệ thông tin, Deloitte Việt Nam, cũng thông tin rằng trên thế giới hiện nay đang bùng nổ xu hướng mới là các công ty fintech sẽ trở thành các ngân hàng số.
“Fintech không chỉ dừng lại ở thanh toán, tuân thủ, mà xa hơn, họ nhìn thấy xu hướng fintech trở thành ngân hàng độc lập, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ngân hàng truyền thống hiện nay. Chức năng sẽ vẫn giống như ngân hàng truyền thống, tuy nhiên các sản phẩm dịch vụ được đưa lên kênh số, tạo cho khách hàng có trải nghiệm tốt nhất có thể. Đó là một sự cạnh tranh mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng so với ngân hàng truyền thống”, ông Thanh nói.
Nhưng xu hướng này liên quan đến việc xây dựng hành lang pháp lý, mà việc này không thể một sớm một chiều. Vì vậy theo ông Thanh, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan quản lý cũng phải có lộ trình để tạo ra một sân chơi cạnh tranh giữa ngân hàng và fintech.
“Ở châu Âu và Đông Á đang làm rất thành công trong việc xây dựng các hành lang pháp lý để fintech có thể trở thành những ngân hàng độc lập trên thị trường. Vì vậy cần thời gian nghiên cứu đưa ra các lộ trình giúp fintech có thể vận hành và phát triển trên hệ sinh thái ngân hàng”, ông Thanh nói.
Chọn cách tốt nhất cho Việt Nam
Đại diện của Deloitte Việt Nam cũng cho biết, ngân hàng số hiện có 3 mô hình hoạt động. Mô hình thứ nhất là ngân hàng số độc lập, tức không liên quan đến mô hình truyền thống. Về mô hình này ở Việt Nam chưa được cấp phép hoạt động. Thứ hai là mô hình số hóa ngân hàng truyền thống như cách Nam Á Bank, Kiên Long Bank đang làm. Thứ ba là mô hình Neobank, tức fintech của ngân hàng.
Theo ông Thanh, cách tốt nhất của Việt Nam là xây dựng theo mô hình thứ ba là số hóa kênh hợp nhất, tức số hóa ngân hàng truyền thống và xây dựng thêm các fintech.
Là một ngân hàng đang kết hợp với 10 công ty fintech, ông Nguyễn Quang Thông, Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân kiêm Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số Nam Á Bank, cho biết sự kết hợp giữa ngân hàng và fintech hiện không chỉ giới hạn ở lĩnh vực thanh toán mà hiện nay, trong các hoạt động xử lý giao dịch, cho vay, tài chính nhúng, fintech đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa người tiêu dùng và ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Quang, trong lĩnh vực thanh toán, các ví điện tử, fintech đang làm rất tốt. Họ có thể thay thế một phần cho hoạt động thanh toán bán lẻ trên thị trường. Ngược lại, phía các ngân hàng truyền thống cũng có nhiều điểm mạnh riêng với nhiều sản phẩm dịch vụ khác như tiền gửi, tiền vay, các hoạt động đầu tư… Trong công cuộc chuyển đổi số, phía các ngân hàng cũng mạnh mẽ để hoạt động vận hành hiệu quả hơn.
Trước mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là phấn đấu đến năm 2025 tối thiểu 50% và đến năm 2030 là 70% các khoản vay, cho vay nhỏ lẻ của ngân hàng, của các công ty tài chính phải được thực hiện qua kênh số, theo đại diện của Nam Á Bank, đây là cơ hội để các ngân hàng thương mại truyền thống sẽ dịch chuyển chức năng đối với các chi nhánh, phòng giao dịch, giảm vai trò phục vụ khách hàng.
“Một năm, có người chưa từng ghé thăm chi nhánh ngân hàng mà họ sử dụng dịch vụ, chỉ dùng thẻ, mobile banking, hay các dịch vụ thanh toán từ xa. Vì vậy, phục vụ ở các điểm chi nhánh đô thị bước đầu sẽ giảm và chuyển dịch thành các hoạt động khác nhiều hơn như tư vấn hay bán hàng. Tuy nhiên ở các khu vực ngoài đô thị, công nghệ chưa tới hay nhận thức của người dân chưa đầy đủ, việc phục vụ tại các điểm chi nhánh vẫn còn nhưng sẽ bắt đầu giảm đi, nó sẽ chuyển đổi dần lên hoạt động giao dịch ngân hàng số như online banking hay chi nhánh ngân hàng số thay thế như Nam Á đang triển khai”, ông Quang nêu ví dụ.
Khi nhiệm vụ của các chi nhánh thay đổi, vị này mong muốn nhà nước thí điểm cấp phép ở phạm vi nhỏ cho các ngân hàng số không có chi nhánh, phòng giao dịch hoạt động ở phạm vi dịch vụ tài chính ngân hàng cơ bản, chưa có độ phức tạp chuyên sâu, để phục vụ phần lớn khách hàng, cũng như có cái nhìn nhận, đánh giá để triển khai lâu dài