Một loạt startup fintech bị khuyến cáo rủi ro: Nhiệm vụ ‘kép’ đặt lên vai cơ quan quản lý
(DNTO) - Vừa phải đảm bảo mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo để startup fintech tự tin hoạt động, vừa phải duy trì ổn định thị trường tài chính, cơ chế pháp lý về fintech vì thế càng trở nên quan trọng.
Startup fintech tên tuổi bị gọi tên
Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina – những startup nổi bật cung cấp dịch vụ đầu tư tài chính, tích lũy tài sản trên thị trường Việt Nam, vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được cơ quan này cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, vì có thể gặp rủi ro nếu phát sinh tranh chấp mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Thực tế, thời gian qua, với sự phát triển của lĩnh vực fintech, hàng loạt startup ra đời, cung cấp các ứng dụng để mọi người có thể tham gia đầu tư với số tiền rất nhỏ, thủ tục đơn giản, với lãi suất cao hơn lãi suất của các ngân hàng hiện tại. Nhưng ngược lại, các nhà đầu tư không đứng tên sở hữu tài sản và phải trả phí và chia sẻ lợi nhuận với các đơn vị cung cấp ứng dụng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, căn cứ theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, chỉ có ngân hàng thương mại mới được phép nhận tiền gửi từ cá nhân và tổ chức. Còn các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, chỉ được nhận tiền gửi từ các tổ chức, không được nhận tiền gửi từ cá nhân. Do đó, việc kêu gọi gửi tiền của các công ty tài chính như hiện nay là hình thức huy động vốn. Mặc dù các tổ chức không bị cấm huy động vốn, nhưng vấn đề huy động vốn dưới hình thức nào, sử dụng và trả nợ vốn ra sao vẫn là vấn đề nhiều tranh cãi.
Hài hòa các lợi ích
Thực tế, tại Việt Nam, lĩnh vực fintech là hoạt động mới mẻ, khuôn khổ pháp lý cho Fintech ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng cho lĩnh vực thanh toán, còn các hoạt động khác như (kinh doanh sàn giao dịch tiền ảo, cung cấp ví tiền ảo…) đa phần diễn ra theo kiểu “tự phát”, chưa có sự can thiệp, quản lý từ các cơ quan chức năng.
Tuy vậy, lĩnh vực fintech trên thế giới đã chứng minh được hiệu quả khi mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, trong năm 2021, nguồn vốn đổ vào startup fintech toàn cầu chạm mốc 300 tỷ USD. Tại Việt Nam, trong năm ngoái, các startup fintech cũng đã kêu gọi được 388 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về vốn tài trợ cho lĩnh vực này.
Về phía nhiều startup fintech, đã nhiều lần những người sáng lập của các công ty này bày tỏ mong muốn có khuôn khổ pháp lý toàn diện cho lĩnh vực này, để họ có những căn cứ hoạt động và mở rộng kinh doanh. Đồng thời, khi có cơ sở pháp lý, thị trường loại bỏ những đơn vị hoạt động trá hình đang gây mất niềm tin của người tiêu dùng và giảm uy tín của các đơn vị cung cấp dịch vụ fintech.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ “kép” đặt ra đối với nhà chính sách là làm sao vừa đảm bảo thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, nhưng vẫn phải duy trì ổn định thị trường tài chính, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong Quyết định số 283 phê duyệt Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng Ðề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin.
Ngân hàng nhà nước hiện cũng đang thúc đẩy việc xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, (cơ chế Sandbox) cho hoạt động fintech, dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm nay.
Theo đó, các giải pháp fintech được phép thử nghiệm gồm:cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ, chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API). Thời gian thử nghiệm tối đa là 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, việc ban hành cơ chế thử nghiệm fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam tại thời điểm hiện nay là cần thiết và phù hợp, làm tiền đề để xây dựng các sandbox trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, cần tuyển chọn kỹ lưỡng đối tượng, tổ chức, đơn vị tham gia thử nghiệm.
Vị chuyên gia khuyến nghị số lượng đơn vị tham gia thử nghiệm nên từ 5-10 đơn vị/Sandbox, sẽ phù hợp với nguồn lực giám sát của Ngân hàng nhà nước hiện nay. Đặc biệt, khi phát triển và mở rộng cơ chế Sandbox trong lĩnh vực tài chính, cơ quan quản lý cũng cần chú ý đến việc bảo mật an toàn dữ liệu, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, chuẩn bị nguồn lực tài chính để vận hành… để đảm bảo hiệu quả, tạo nền tảng cho hoạt động fintech phát triển ở Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số nói chung.