Tham vọng bành trướng của startup fintech: 'Điểm ngắm' là các công ty chứng khoán, tài chính
(DNTO) - Tệp khách hàng lên tới hàng triệu người dùng của các công ty chứng khoán, tài chính đang là “miếng mồi thơm” mà các startup fintech nhắm tới để bành trướng hoạt động của mình.
‘Bình dân hóa’ các hoạt động đầu tư
Sau 5 năm ra mắt, Finhay - ứng dụng đầu tư tài chính vừa công bố mua lại Vina (VNSC) - công ty chứng khoán 15 năm tuổi nhưng đang chìm trong thua lỗ. Việc thâu tóm VNSC nằm trong tham vọng phát triển sản phẩm đầu tư chứng khoán cho người dùng, bên cạnh việc đầu tư vào các quỹ mở, gửi tích lũy hay mua vàng online như trước đây.
Mặc dù việc phục vụ các nhà đầu tư F0 với số vốn cực thấp (chỉ từ 10.000 đồng) được coi là “bỏ tiền cục, thu tiền vặt”, nhưng Finhay hiện đã cán mốc 2 triệu người dùng, nên dẫu là “tiền vặt” nhưng với số lượng lớn cũng giúp ứng dụng thu về nguồn lợi nhuận đáng kể.
Cùng thời điểm, ví điện tử MoMo cũng công bố hợp tác với Dragon Capital nhằm triển khai sản phẩm đầu tư chứng chỉ quỹ. Đây cũng là lần đầu tiên trên thị trường tài chính, sản phẩm chứng chỉ quỹ mở có mặt trên ví điện tử.
Việc hợp tác này có lợi cho cả ba bên. Với Dragon Capital, hàng chục triệu nhà đầu tư của quỹ này sẽ dễ dàng quản lý và giao dịch tài sản của mình trên ứng dụng của ví điện tử. Với MoMo, ví cũng có cơ hội thu nạp thêm hàng triệu người dùng là các nhà đầu tư của quỹ. Còn với nhà đầu tư, họ mở tài khoản online chỉ trong 1 phút, thanh toán quỹ bằng nguồn tiền tại ví điện tử mà không phải mở thêm tài khoản ngân hàng và chịu phí chuyển khoản.
Sự bành trướng của các công ty fintech với hành động thâu tóm các công ty tài chính, chứng khoán được xem là góp phần làm “bình dân hóa” hoạt động đầu tư tài chính, đặc biệt là kênh chứng khoán, quỹ mở vốn chỉ thu hút một lượng nhà đầu tư rất nhỏ, là những người có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Mặc khác, khi các nhà đầu tư F0 dễ dàng tham gia thị trường cũng thúc đẩy hoạt động của các công ty fintech – một lĩnh vực đang cạnh tranh gay gắt khi thị trường đang có tới 150 công ty fintech, nhưng chưa có khung khổ pháp lý để hoạt động.
Nhận định về sự hợp tác này, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO AccessTrade Vietnam (nền tảng tiếp thị liên kết với gần 1.5 triệu đối tác) cho hay, các dịch vụ tài chính truyền thống, dù có tốt đến mức nào nhưng nếu hoạt động độc lập thì cũng khó tồn tại, hơn hết, các dịch vụ cần tích hợp, liên kết với các doanh nghiệp công nghệ fintech trong hệ sinh thái để phát triển mạnh hơn nữa, mang lại lợi ích song song cho cả hai cũng như mang lại những trải nghiệm tuyệt vời hơn.
“Xu hướng số hóa đã tạo cơ hội thay đổi diện mạo của ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán; đồng thời, giúp giảm chi phí vận hành; nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Liệu có khuynh hướng M&A mới?
Báo cáo "Các xu hướng M&A toàn cầu năm 2022" của PwC nhận định, các hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng dự kiến sẽ nở rộ trong năm nay với sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài.
Forbes mới đây cũng đưa ra dự báo 6 xu hướng Fintech năm 2022, trong đó nổi bật là xu hướng tài chính nhúng (gồm các khoản thanh toán, thanh toán bằng thẻ, cho vay, đầu tư, bảo hiểm và ngân hàng) giúp việc đầu tư trở nên dễ dàng hơn thông qua việc tiếp cận các quỹ và cổ phiếu.
Mặc dù chưa thể khẳng định hành động của Finhay và MoMo liệu có mở đầu cho khuynh hướng M&A mới trong lĩnh vực fintech hay không, nhưng rõ ràng việc các công ty fintech nỗ lực mở rộng hệ sinh thái của mình là có. Và trong nỗ lực bành trướng đó, các công ty chứng khoán và tài chính là điểm ngắm.
Bởi với đối tượng là nhóm khách hàng cá nhân, đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách họ tiếp cận với các giải pháp tài chính. Theo Bambuup, khách hàng sẽ tìm đến ứng dụng fintech không chỉ là trợ lý đắc lực trong quản lý chi tiêu hàng ngày, mà còn kèm theo các tính năng như tiết kiệm nhận lãi suất cao, tích lũy đầu tư.
Còn đối với khách hàng là doanh nghiệp, họ đã ứng dụng công nghệ tài chính để giải quyết các khó khăn hiện tại như ứng dụng tài chính nhúng để tiếp cận và mở rộng khách hàng, kết hợp với ngân hàng để trả lương linh hoạt cho nhân viên, ứng dụng tài chính chuỗi cung ứng cho hệ thống phân phối sản phẩm của doanh nghiệp, tích hợp các giải pháp thanh toán, sản phẩm tài chính trên những nền tảng sẵn có của doanh nghiệp để tạo thêm giá trị và tối ưu trải nghiệm khách hàng.
“Startup Fintech tiếp tục có nhiều cơ hội đón vốn đầu tư khi hòa nhập tốt hơn vào cuộc sống hàng ngày của khách hàng. Trong lĩnh vực này, chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến làn sóng các phát triển các giải pháp tài chính như quản lý tài sản, cho vay tiêu dùng và cho vay vừa và nhỏ”, bà Lê Hoàng Uyên Vy, CEO quỹ đầu tư Do Ventures nhận định.