Fintech năm 2021: Bùng nổ với các ‘kỳ lân’
(DNTO) - Trong 10 “kỳ lân” giá trị nhất thế giới năm 2021, có 4 “kỳ lân” thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Tại Việt Nam, công nghệ tài chính cũng đang là lĩnh vực có nhiều startup tỷ đô.
Câu lạc bộ startup tỷ đô gọi tên các fintech
Chỉ số kỳ lân toàn cầu (The Global Unicorn Index) 2021 do Viện nghiên cứu Hurun trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) vừa công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 11, thế giới có 1.058 "kỳ lân", tức các startup được định giá trên một tỷ USD.
Đáng chú ý, trong 10 "kỳ lân" giá trị nhất thế giới năm 2021, công nghệ tài chính là lĩnh vực ghi nhận sự xuất hiện các công ty tỷ USD nhiều nhất, gồm 4 “kỳ lân”: Ant Group (Trung Quốc, 150 tỷ USD), Stripe (Mỹ, 95 tỷ USD), Klarna (Thụy Điển, 46 tỷ USD), Revolut (Anh, 33 tỷ USD).
Tại Việt Nam, trong 4 startup “kỳ lân” hiện tại, có tới 2 startup đi lên từ mảnh đất công nghệ tài chính, là MoMo và VNPay. Trong khi “kỳ lân cũ” là VNPay tiếp tục huy động 250 triệu USD từ các nhà đầu tư, thì trong năm 2021, MoMo đã 2 lần huy động vốn thành công, series E (133 triệu USD) và series D (200 triệu USD), nâng định giá của mình lên 2 triệu USD và chính thức ghi danh vào câu lạc bộ startup tỷ đô.
Ngoài MoMo và VNPay, trong năm 2021, nhiều startup công nghệ tài chính ở Việt Nam cũng thành công trong việc thu hút đầu tư như Tikop, Infina, Mfast…
Việt Nam hiện được xem là “miền đất hứa” cho các startup trong lĩnh vực fintech. Trong năm 2021, có tới 375 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào fintech Việt Nam, chiếm hơn 10% tổng giá trị vốn đổ vào fintech trong khu vực là 3,5 tỷ USD (theo báo cáo của UOB, PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore). Nếu tính cả vòng gọi series E của MoMo vừa hoàn thành hôm 21/12, số vốn rót vào fintech Việt Nam lên tới 575 triệu USD trong năm 2021.
Mở rộng đường đua bắt đầu từ pháp lý
Nhận định về tiềm năng thị trường công nghệ tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Việt Nam (VINA Fintech), fintech Việt Nam vẫn đi sau thế giới một bước, mặc dù đại dịch thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng số người chưa có tài khoản thanh toán vẫn lớn. Theo thống kê từ Merchant Machine năm 2021, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới với 69% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng.
“Đây là dư địa lớn cho hệ thống ngân hàng, telco (viễn thông), fintech, bigtech thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới ở Việt Nam”, ông Thắng nói.
Là một trong những đơn vị đang ở trong cuộc chơi fintech, Zalo Pay cũng ghi nhận tiềm năng thị trường công nghệ tài chính Việt Nam. Ông Nguyễn Phước Thanh Hải – Trưởng phòng Kĩ thuật của ZaloPay cho hay, người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ hiện nay bắt trend rất nhanh. Do đó trong đại dịch, khi các địa phương phong tỏa, việc lựa chọn thanh toán qua các ứng dụng số dù do hoàn cảnh bắt buộc nhưng người dân vẫn dễ dàng chấp nhận.
Đặc biệt, Việt Nam đã trải qua làn sóng phát triển internet và thiết bị di động, đây là 2 yếu tố góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế internet và tạo cơ hội cho ngân hàng số, fintech hay ví điện tử tham gia cuộc chơi này. Bởi nếu chất lượng internet không tốt, người dùng không thích ứng với kĩ thuật số thì rất khó để các đơn vị phát triển dịch vụ fintech.
Còn ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số, TPBank thì cho rằng chính nhu cầu người tiêu dùng đang tạo ra những thay đổi cho công nghệ tài chính.
“Xu hướng Fintech sẽ đi theo hành vi khách hàng, nhu cầu và kì vọng của khách hàng ra sao. Ví dụ trước kia khách hàng muốn mua vé máy bay phải ra quầy, nhưng giờ họ chỉ muốn ngồi nhà, đặt qua app có thể được phục vụ 24/7, hay thay vì mất vài phút như trước kia thì giờ họ muốn giao dịch nhanh hơn, chỉ trong vài giây, vì vậy khách hàng sẽ thúc đẩy fintech”, ông Nam cho hay.
Tuy nhiên, để fintech rộng đường phát triển, theo Chủ tịch VINA Fintech, pháp lý phải đóng vai trò mở đường, như tạo điều kiện cho cơ chế thử nghiệm sandbox trong lĩnh vực tài chính, hay giúp doanh nghiệp, startup kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển eKYC (định danh khách hàng trực tuyến), thuận tiện hơn.
Đối với các đơn vị cung cấp giải pháp fintech, phải hoạt động trong hệ sinh thái để cùng nhau cung cấp các giải pháp công nghệ thuận tiện nhất, an toàn nhất cho người dùng, ví dụ thanh toán không dùng tiền mặt phải gắn với trả lương qua tài khoản, gắn với hệ thống thanh toán thương mại điện tử, vận tải… Cuối cùng, người dùng phải được truyền thông để họ có thể sử dụng giải pháp fintech của doanh nghiệp.