Fintech sẽ thay đổi bộ mặt của thương mại điện tử
(DNTO) - Tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt tại Việt Nam còn ở mức cao (chiếm 82%) đang là rào cản cho sự phát triển của thương mại điện tử. Tuy nhiên, nếu có sự tham gia nhiều hơn của các công ty fintech, cục diện này sẽ thay đổi.
Năm 2020 có tới 74% người mua sắm trên kênh website, sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng 22% so với năm trước. Năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử đạt 2 con số.
Tuy nhiên, tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng trên thương mại điện tử vẫn ở mức cao, chiếm 82%. Ngoài thói quen truyền thống, việc đưa tiền, nhận hàng là cách người tiêu dùng hạn chế rủi ro khi mua hàng qua thương mại điện tử.
“Thông thường khi nhận hàng tôi sẽ bóc hàng trước mặt shipper sau đó kiểm tra hàng rồi mới đưa tiền. Vì có rất nhiều trường hợp khách hàng đặt điện thoại nhưng bị giao đến cục gạch. Nếu đưa tiền trước thì khách hàng rất khó khiếu nại và đòi được tiền”, chị Hà Hương, một khách hàng thường xuyên mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, chia sẻ.
Thế nhưng, tỉ lệ sử dụng tiền mặt chiếm tỉ trọng cao trong thanh toán giao dịch qua thương mại điện tử lại là thách thức đối với sự phát triển của ngành này.
“Tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt còn cao sẽ dẫn đến hệ lụy là tỉ lệ giao hàng thành công chưa cao, tỉ lệ hủy đơn hàng cao, cùng với sức ép giá thành gói vận hành chiếm 5-10% do tỉ lệ trên không đạt theo mong muốn, là sức ép đối với đơn vị logistics phục vụ cho thương mại điện tử”, bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Kinh doanh Bưu chính Thương mại điện tử, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết.
Hiện nay, nền tảng phục vụ cho các hoạt động thanh toán phi tiền mặt cho các giao dịch thương mại điện tử chủ yếu qua ví điện tử và tài khoản ngân hàng. Trong khi việc thông qua ngân hàng thường mất phí khiến khách hàng không mấy mặn mà, thì các ví điện tử đang có cơ hội nổi lên.
Điển hình như Sendo, sàn thương mại điện tử đang phục vụ hơn 12,5 triệu khách hàng và 300.000 nhà bán hàng trên toàn quốc mỗi tháng vừa bắt tay với MoMo – ví điện tử sở hữu 28 triệu người đăng ký sử dụng, nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng. Còn đối với ví điện tử, việc song hành với các sàn thương mại điện tử giúp mục tiêu đa dạng hóa dịch vụ nhanh chóng được thực hiện.
Trước đó tháng 11/2020, Lazada hợp tác với ví eMonkey để tích hợp phương thức thanh toán qua ví điện tử vào nền tảng thương mại của mình. Hay Shopee đang áp dụng hình thức thanh toán qua ví AirPay.
“Việc thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử giúp các trang thương mại điện tử giảm chi phí luân chuyển dòng tiền từ người bán đến người mua thông qua bên thứ ba”, bà Mai Anh cho hay.
Mặc dù những năm gần đây, số lượng đầu tư vào các công ty fintech, thương mại điện tử tại Việt Nam rất lớn nhưng theo ông Ôn Như Bình, Giám đốc Kinh doanh Chiến lược Teko Việt Nam (đơn vị thuộc VNLife), sự phát triển của thị trường công nghệ phục vụ cho lĩnh vực này hiện còn rất phân mảnh, thiếu sự liên kết giữa các nền tảng từ nhà cung cấp hàng hóa đến chuỗi phân phối, bán lẻ và hỗ trợ thanh toán, bán hàng trực tuyến.
Khi các nền tảng công nghệ lõi phục vụ thanh toán hay thương mại điện tử chưa đủ mạnh thì các đơn vị thực hiện bán hàng, giao vận phải cùng lúc kết nối với rất nhiều nhà cung cấp công nghệ khác nhau. Đây là điều khiến thị trường chậm đi.
“Mọi người cứ nghĩ có công nghệ thì vận hành nhanh hơn, chi phí rẻ hơn nhưng đôi khi hệ thống công nghệ không đồng bộ thậm chí còn khiến tăng chi phí”, ông Bình nói.
Vì vậy, đối với nhà cung cấp công nghệ thông tin, theo ông Bình, cần xây ra các nền tảng để các đối tác có thể tự chủ trong việc xây dựng và mở rộng ứng dụng nhỏ trên đó, thay vì một nhà bán hàng nhỏ nhưng phải kết nối 5-10 đơn vị cung ứng. Đối với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, nên cố gắng kết hợp với đa dạng nhà thanh toán để khách hàng dễ dàng lựa chọn hình thức thanh toán.
“Nên đưa ra mô hình mới kết hợp giữa thương mại điện tử và fintech như mua trước trả sau, mua trả góp… Nếu như trường hợp hàng hóa không đúng chất lượng, cũng có đơn vị trung gian đứng ra bảo chứng, hoàn lại tiền cho khách hàng. Lúc này khách hàng sẽ không có sự phân biệt giữa thanh toán offline hay online, đó là động lực cho thương mại điện tử phát triển”, ông Bình nói.