Đảm bảo chuỗi cung ứng: Duy trì 'cái bắt tay' giữa thương mại điện tử và chợ truyền thống
(DNTO) - Không chỉ phát huy hiệu quả trong việc cung ứng hàng hóa thời giãn cách mà trong tình hình mới, việc kết hợp giữa phương thức phân phối truyền thống và hiện đại vẫn được xem là giải pháp căn cơ để đảm bảo sự lưu thông liền mạch của chuỗi cung ứng.
Trao đổi trong Hội nghị Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sáng 5/10, Bà Nguyễn Thị Minh Huyền– Phó Cục Trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), cho biết, việc ứng dụng thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh là lựa chọn tất yếu để đảm bảo lưu thông hàng hóa và hạn chế tối đa việc tiếp xúc.
Thực tế cũng cho thấy, thương mại điện tử đã phát huy thế mạnh trong thời gian giãn cách, với việc hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản cho các địa phương đang vào vụ thu hoạch, đồng thời cung ứng kịp thời cho người dân đang phải cách ly…
Dưới tác động của đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 11,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng ở mức 18%. Tỷ lệ người sử dụng internet tham gia mua sắm trực tuyến cũng tăng từ 77% năm 2019 lên 88% năm 2020, theo Sách trắng thương mại điện tử 2021 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành.
Tuy nhiên, theo bà Huyền, thương mại điện tử sẽ không thể thay thế thương mại truyền thống. Trong bối cảnh mới, khi hành vi của người tiêu dùng thay đổi với việc lựa chọn mua sắm kết hợp online và offline, cần có sự ứng dụng phương thức phân phối mới.
Cụ thể, việc kết hợp giữa phương thức phân phối truyền thống (chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa) và phương thức phân phối hiện đại (thương mại điện tử) là giải pháp căn cơ vì tối ưu hóa và kết hợp những thế mạnh của cả hai phương thức phân phối, sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững cho chuỗi cung ứng.
“Doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân rất mong muốn có thể bán được sản phẩm hàng hóa do chính mình tạo ra đến người tiêu dùng cuối cùng, điều này giúp giảm giá thành sản phẩm và dẫn đến việc đẩy mạnh lưu thông, kích cầu tiêu dùng trong nước”, bà Huyền cho biết.
Đồng tình với quan điểm kênh online không thể thay thế kênh offline, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc vận hành miền Bắc chuỗi siêu thị Vinmart cho biết, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích nhìn sản phẩm trực tiếp để quyết định đặt mua, đặc biệt với những sản phẩm F&B (thực phẩm và đồ uống). Ngoài ra, không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng kênh online để đặt hàng. Vì vậy, việc duy trì hai kênh phân phối sẽ giúp đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục.
TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng thương mại điện tử rất quan trọng trong nền kinh tế hiện nay, nhưng vẫn gắn liền với con người và dòng chảy hàng hóa thực chứ không chỉ trên internet, vì vậy vẫn cần sự kết nối chặt chẽ, kể cả từ những đơn vị sản xuất, phân phối hàng hóa cho đến shipper…
Ở góc độ phân tích hành vi khách hàng để tư vấn cho doanh nghiệp phân phối, bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc khu vực phía bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, trong bối cảnh kênh phân phối có sự kết hợp giữa online và offline, hành trình khách hàng hiện nay cũng ngày càng phức tạp. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua một kênh online hay offline mà mua ở cả 2 kênh.
Cụ thể, họ sẽ tìm kiếm sản phẩm trên online, sau đó đến kênh offline để cảm nhận, rồi lại quay trở về kênh online để tìm kiếm nơi bán tốt nhất. Điều này đặt ra cho doanh nghiệp cần có nền tảng phục vụ hành trình khách hàng đi từ đa kênh đến hợp kênh cho phù hợp.
“Các công ty cần điều chỉnh mô hình hoạt động kinh doanh để kết nối, hỗ trợ khách hàng tốt nhất. Ví dụ doanh nghiệp đã có đủ các kênh giúp khách hàng kết nối chưa, đã chấp nhận các hình thức thanh toán mà khách hàng mong muốn chưa, hoặc những hoạt động hỗ trợ đã đủ để có trải nghiệm khách hàng tốt nhất chưa…”, bà Hà tư vấn.