Phân phối đa kênh: 'Vaccine' của các doanh nghiệp FMCG thời Covid-19
(DNTO) - Trong thời đại số, môi trường bán lẻ thay đổi rất nhanh. Muốn sống sót, các doanh nghiệp FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) không nên loay hoay quanh việc lựa chọn kênh bán hàng online hay offline, mà cần tích hợp phân phối đa kênh, giúp khách hàng dễ dàng mua sản phẩm mọi nơi, mọi lúc.
Chuyển dịch đa kênh – ‘cửa sống’ của FMCG
Năm 2020, kênh phân phối chủ yếu của cà phê nông sản Meet More là thông qua xuất khẩu và một phần nhỏ phân phối trong nước thông qua hệ thống siêu thị.
Tuy nhiên, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của cà phê nông sản Meet More tại thị trường trong nước, do đây không phải là sản phẩm nằm trong danh sách thực phẩm thiết yếu. Để tiếp tục duy trì thị trường trong nước, Meet More chuyển hướng phân phối trên các kênh online.
“Ngay trong đợt vừa rồi bùng dịch, chúng tôi đã có thêm hệ thống khách hàng qua kênh online. Tận dụng thời điểm dịch bệnh, chúng tôi tập trung đào tạo nhân sự để có sự chuẩn bị thật kĩ về việc phân phối trên kênh online. Hiện ở tất cả các trang thương mại điện tử, chúng tôi đã có lượng khách hàng ổn định”, ông Nguyễn Ngọc Luận, Founder Cà phê nông sản Meet More cho biết.
Vốn là một doanh nghiệp lớn trong ngành FMCG, kênh phân phối chủ yếu của Bánh kẹo Hữu Nghị vẫn là kênh truyền thống, thông qua kênh siêu thị, tạp hóa, các nhà phân phối hay kênh bán trực tiếp (phục vụ các cơ quan tổ chức).
Nhưng ông Trần Ngọc Chung – Giám đốc bán hàng Bánh kẹo Hữu Nghị cho biết, hiện đội ngũ bán hàng của doanh nghiệp này mới chỉ đáp ứng được 30 - 40% năng lực sản xuất thực tế. Trong khi đó, năm 2021, Bánh kẹo Hữu Nghị dự định nâng công suất sản xuất, do vậy, vấn đề phân phối là áp lực rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây gián đoạn cho hoạt động bán hàng truyền thống.
Những năm gần đây, vào mùa vụ Trung thu hay Tết, Hữu Nghị đã bắt đầu kết hợp với những sàn thương mại như Tiki, Lazada, Shopee..., để triển khai bán hàng và đạt được những thành công nhất định.
Tuy nhiên, ông Chung cũng cho biết, đối với những sản phẩm thường ngày như bánh tươi, việc bán hàng qua kênh online khá khó vì khách hàng không chấp nhận chịu chi phí vận chuyển bằng 50% giá trị sản phẩm. Do vậy, Hữu Nghị đang nỗ lực xây dựng nền móng cho kênh online và tiếp tục thử nghiệm kênh thương mại điện tử để đảm bảo tối ưu việc phân phối sản phẩm qua kênh này.
Xu hướng không thể chối từ
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp chạy đua chuyển đổi đổi số, môi trường bán lẻ thay đổi rất nhanh, thậm chí thay đổi hàng ngày vì xu hướng người tiêu dùng ngày một thay đổi. Vì vậy, câu chuyện của ngành FMCG không còn xoay quanh việc online hay offline nữa, mà cần phải tích hợp giữa đa kênh, trên mọi phương tiện.
Do vậy, theo ông Nguyễn Gia Anh Vũ - chuyên gia 22 năm kinh nghiệm vận hành kênh phân phối và thương mại, Giám đốc toàn cầu thương mại tại Royal FrieslandCompania, khi môi trường mua sắm của người tiêu dùng thay đổi, dịch chuyển từ kênh online sang offline, các doanh nghiệp ngành bán lẻ đều đứng trước những thách thức mới trong việc đảm bảo hàng hoá hiện diện ở mọi nơi, đáp ứng ngay khi khách hàng mục tiêu cần để tăng trưởng doanh thu bền vững, tạo ra lợi nhuận.
“Các sản phẩm FMCG cần có mặt rộng khắp, từ các kênh phân phối vật lý cho đến các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử, thậm chí thương mại điện tử xuyên biên giới. Thời kỳ thương mại điện tử hiện nay đóng vai trò lớn, tạo ra hệ sinh thái tích hợp, vừa bán hàng trực tiếp và gián tiếp, dần thay thế mô hình phân phối bán lẻ truyền thống”, ông Vũ cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, CEO Hệ thống Học viện Kinh doanh số IMGroup, việc chuyển đổi từ kênh offline sang kênh online là xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phân phối trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19, điều này giúp bài toán chi phí của doanh nghiệp trở nên “dễ thở” hơn.
Cụ thể, theo ông Đức, khi không phải thông qua các kênh trung gian như nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ..., các doanh nghiệp sẽ tối ưu ít nhất 20% chi phí vì giảm chiết khấu cho các kênh trung gian, và giảm tối đa các khâu chăm sóc khách hàng, vận hành, thanh toán, giao nhận… Ngoài ra, việc phân phối sản phẩm trực tiếp đến khách hàng giúp doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng để thay đổi, cải thiện sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn.
Vì vậy, ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, các doanh nghiệp FMCG cũng phải đẩy mạnh việc tích hợp đa kênh trong bán hàng, để phục vụ tối đa nhu cầu của mọi khách hàng, đặc biệt khách hàng trẻ với xu hướng mua hàng linh hoạt.