Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Khó nhất là thay đổi tư duy của người nông dân
(DNTO) - Việc người nông dân thiếu kiến thức, kĩ năng bán hàng qua nền tảng số và không chịu tiếp nhận phương thức phân phối mới, là rào cản lớn nhất khiến việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử còn hạn chế.
Tư duy cũ sẽ cản đường nông sản lên sàn
Theo thống kê của Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương, lượng hàng nông – thủy sản vào vụ thu hoạch của các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên rất lớn.
Cụ thể, Đồng Nai có khả năng cung ứng 63.000 tấn thịt lợn, 1.300 tấn thịt gà, nhưng cần bổ sung gạo tẻ, rau củ quả và dầu ăn. Long An có thể cung ứng 2.200 tấn gạo và lượng lớn rau củ và dầu ăn; Đắk Lắk có nhu cầu cung ứng 450.000 tấn cà phê, 77.000 tấn hồ tiêu và 50.000 tấn sầu riêng…
Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc sàn Thương mại điện tử Shopee chia sẻ, nhóm sản phẩm nông sản của khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên có tiềm năng để phát triển trên môi trường số, khi các địa phương ở các khu vực này cũng đã nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện các loại nông sản tại đây vẫn chưa có cơ hội tiếp cận trực tiếp đến lượng người tiêu dùng đông đảo trên các nền tảng số. Trong khi đó, việc tận dụng lợi thế từ thương mại điện tử sẽ giúp các hợp tác xã địa phương có thể thuận lợi mở rộng quy mô phân phối, tiếp cận đến người dùng cuối dễ dàng hơn.
Theo đại diện của Shopee, rào cản lớn nhất khiến nông sản còn chậm lên sàn là kiến thức, kỹ năng của nông dân về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế, nên sẽ mất thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức để hấp dẫn người mua.
“Do vậy, ngoài sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Trung ương, các Sàn thương mại điện tử, chính quyền các địa phương cần trực tiếp, sát sao hơn nữa, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản”, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Với kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số và chuyển giao công nghệ cho nông nghiệp tại nhiều địa phương, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sendo, cũng đồng tình với việc các hợp tác xã và bà con nông dân cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của thương mại điện tử.
“Kinh doanh qua sàn thì không nên chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán mà nên có sự đầu tư và khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển hay làm hình ảnh quảng bá... Vì vậy cần sự gắn bó chặt chẽ giữa các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất với sàn trong các hoạt động hậu cần và cả hoạt động truyền thông cho nông sản, áp dụng những quy trình mới để cải tiến cách làm và phát triển kinh doanh”, ông Dũng cho hay.
Các sàn cam kết “cầm tay, chỉ việc”
Hiện nay, các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee, Lazada đều cam kết sẽ đồng hành cùng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) để triển khai hỗ trợ nông dân các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên đưa nông sản lên sàn, thông qua chương trình Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia.
Sàn Sendo cam kết hỗ trợ 1:1 đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong thời gian đầu để tư vấn mở cửa hàng và đăng bán sản phẩm trên Gian hàng Việt trực tuyến và Nông nghiệp số. Sàn
Vỏ Sò cũng cho biết sẽ hỗ trợ cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc, xác thực địa lý vùng trồng - miễn phí gói ưu đãi 5 triệu đồng; đồng thời sàn triển khai tập huấn, hướng dẫn trực tiếp tại địa phương cách triển khai bán hàng online.
“Voso cũng đã chủ động xây dựng web vệ tinh hỗ trợ tiêu thụ đặc sản địa phương để thuận tiện trong việc hỗ trợ marketing như hỗ trợ chi phí chuyển phát cơ bản đồng giá 15.000 đồng/5kg toàn quốc, sử dụng điểm giao dịch tổ chức bán hàng offline hỗ trợ tiêu thụ nông sản và hỗ trợ chi phí marketing cho các nhà cung cấp”, ông Trần Trung Kiên – Giám đốc Vỏ Sò cho hay.
Các chuyên gia của sàn thương mại điện tử Shopee đã tới từng nhà vườn tại các địa phương, triển khai đào tạo về quy trình đóng gói và bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu; hướng dẫn người dân các kỹ năng livestream quảng bá sản phẩm.
Bên cạnh đó, ShopeeFarm còn hỗ trợ vận chuyển hàng hoá tiếp cận các thị trường trong nước tiềm năng như Hà Nội và TP.HCM, hỗ trợ phí giao hàng đến tận tay người tiêu dùng.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, phân phối hàng hóa trên sàn thương mại điện tử là xu hướng phát triển chung trên toàn cầu, đặc biệt càng trở nên hữu ích trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng.
"Người tiêu dùng cũng đã quan tâm tới các kênh bán hàng online uy tín, có thói quen sử dụng khi mua sắm tại nhà, người bán cũng như người mua dễ tiếp cận và thay đổi phương thức bán hàng hiện đại. Do đó, đây sẽ là một kênh mới thiết thực và hiệu quả để tìm thêm “đầu ra” cho các sản phẩm nông sản chủ lực tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên" đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay.