‘Giấc mơ’ của MoMo: Muốn có sàn huy động vốn cho các công ty công nghệ
(DNTO) - Cuối năm ngoái, khi được hỏi về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo cho biết đó là câu chuyện của tương lai. Tuy nhiên chưa đầy một năm, suy nghĩ này đã thay đổi.
Momo hiện là ví điện tử đứng đầu cả về người dùng và khối lượng giao dịch tại Việt Nam, với 28 triệu người đăng ký sử dụng, 120 nghìn điểm chấp nhận thanh toán. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu 50 lần giai đoạn 2015-2020, với tổng giao dịch 14 tỷ USD năm 2020, năm 2019, MoMo lọt Top 100 công ty fintech toàn cầu và hiện được coi là kỳ lân công nghệ tại Việt Nam.
“Fintech ở Việt Nam được xem là dịch vụ kéo dài của ngân hàng. Vì vậy muốn ví điện tử hoạt động, phải nói chuyện được với ngân hàng. Thời gian đầu, chúng tôi đến gặp các ngân hàng, tất cả đều từ chối vì không ai muốn làm việc với một công ty bé, có nguy cơ trở thành đối thủ cạnh tranh trong tương lai”, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo chia sẻ trong Hội thảo Phát triển Cộng đồng sử dụng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam sáng 22/10, trong khuôn khổ TECHFEST 2021.
Momo mất gần 10 năm để có thể phối hợp với 30 ngân hàng và tổ chức thanh toán quốc tế, tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, một ứng dụng ví điện tử muốn tồn tại thì việc chỉ phục vụ thanh toán là không đủ, bởi khách hàng luôn muốn có thể thanh toán mọi thứ trên một ứng dụng.
Để giữ chân khách hàng, MoMo xây dựng hệ sinh thái MoMo City, tức tất cả dịch vụ trong thành phố có thể cung cấp cho người dân thì MoMo đều cố gắng chuyển từ offline sang online, đưa lên ứng dụng của mình.
“Hiện nay, MoMo có thể cung cấp gần như toàn bộ những sản phẩm cơ bản nhất cho người dùng để họ có thể sử dụng trong ngày. Việc này hỗ trợ đắc lực cho người dân, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM giãn cách, nhiều người chỉ cần dùng ví MoMo mà không cần dùng đến tiền mặt: Thanh toán tiền điện nước, mua sắm siêu thị, trả tiền ăn uống ở các nhà hàng, vận tải đi lại, giải trí, dịch vụ công hay tài chính tiêu dùng, bảo hiểm….
Chúng tôi đã chứng minh được rằng, ví điện tử là một sự hỗ trợ tốt, tạo nên hệ sinh thái và giúp cho các hoạt động bên trong hệ sinh thái phát triển. Momo không phải đối thủ cạnh tranh với ngân hàng mà là cánh tay nối dài của ngân hàng”, ông Diệp nói.
Hiện MoMo huy động được gần 234 triệu USD qua 4 vòng gọi vốn. Trong đó, vòng gọi vốn gần nhất (Series D) được hoàn thành vào tháng 3/2021 với khoảng 100 triệu USD.
Mặc dù khởi nghiệp trong một lĩnh vực được coi là tiềm năng và màu mỡ là fintech, nhận được sự quan tâm của rất nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước, nhưng kỳ lân công nghệ này cũng thừa nhận, các công ty fintech ở Việt Nam rất khó khăn khi tiếp cận vốn.
“Khi nhỏ cũng khó khăn, khi to cũng khó khăn bởi fintech cần nguồn vốn rất lớn, trong khi đó chúng tôi đã tìm đến những nhà đầu tư ở Việt Nam nhưng họ không thể đáp ứng được”, ông Diệp nói.
Để giải quyết tình trạng vốn cho các startup công nghệ, trong đó có fintech, theo đại diện MoMo, Việt Nam cần tạo ra sàn gọi vốn công nghệ ở trong nước (IPO) như cách Mỹ, Singapore và Trung Quốc đang làm; hoặc có những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
“Chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ chính thống là có một sàn để các công ty fintech có thể tìm kiếm các nhà đầu tư, huy động vốn từ cộng đồng trong nước để công ty có thể phát triển và cũng chia sẻ toàn bộ lợi ích với nhà đầu tư Việt Nam”, đại diện MoMo cho biết.
Cũng với quan điểm nên có sàn huy động vốn cho các công ty công nghệ, đặc biệt là công nghệ tài chính, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng – Ngân hàng BIDV cho biết, thị trường tài chính Việt Nam không thua kém gì so với khu vực. Tổng tài sản tài chính gấp 314% GDP cuối năm 2017; 324% GDP cuối năm 2020 và tính đến hết tháng 9/2021, thị trường tài chính Việt Nam đạt 291% GDP.
Mặc dù Việt Nam có rất nhiều quỹ đầu tư khác nhau nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu gọi vốn của các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, các startup không thể vay vốn từ ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. Vì vậy, nên tiến tới nghiên cứu sàn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi đây là kênh rất quan trọng hỗ trợ startup phát triển.
“Muốn vậy, khâu thương mại hóa sản phẩm từ các nghiên cứu phải được làm tốt hơn. Việc này gắn với vai trò của Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Công thương”, ông Lực nhấn mạnh.