‘Kì lân’ của ngành làm đẹp Trung Quốc Perfect Diary và bài học marketing cho các thương hiệu
(DNTO) - Chỉ sau 5 năm thành lập, Perfect Diary - nhãn hiệu mỹ phẩm nội địa Trung Quốc, đã có màn “vượt mặt” ấn tượng trước các “ông lớn” trong ngành làm đẹp quốc tế như L’Oréal hay Maybelline, nhờ vào các chiến dịch marketing khôn ngoan thông qua KOC.
Tận dụng triệt để marketing online
Năm 2016, tập đoàn Yatsen ra mắt thương hiệu mỹ phẩm Perfect Diary. Hai năm sau đó, Perfect Diary trở thành thương hiệu đầu tiên đạt doanh thu 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD) vào Lễ Độc thân (11/11) trên Alibaba - trang thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc.
Năm 2019, vượt lên trên cả những cái tên sừng sỏ trong ngành mỹ phẩm như L’Oréal và Maybelline, Perfect Diary trở thành thương hiệu nội địa đầu tiên đứng đầu danh mục làm đẹp “Double 11” của Tmall.
Thừa thắng xông lên, ngay trong đại dịch, Perfect Diary niêm yết trên sàn chứng khoán New York (Mỹ), giá trị thị trường tăng từ 4 tỷ USD lên 7,82 tỷ USD chỉ từ tháng 9 đến tháng 11/2020.
Khi phân tích về thành công của Perfect Diary, các chuyên gia đều thừa nhận đây là một thương hiệu thành công khi khai thác triệt để sức mạnh của các chiến lược marketing online, trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 khiến người dùng online nhiều hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người coi công nghệ, mạng xã hội và điện thoại thông minh là một phần quan trọng trong cuộc sống.
Đặc biệt, các KOC (viết tắt của Key Opinion Customer - khách hàng thường xuyên), được tận dụng triệt để với vai trò nhà tư vấn làm đẹp trực tuyến, đã giúp thương hiệu nhanh chóng thu hút lượng lớn người dùng chỉ trong một thời gian ngắn, thông qua bài đánh giá sản phẩm một cách chân thực.
“Nếu như KOL được ví như phương thức marketing của ‘nhà giàu’, thì KOC không phân biệt gia cảnh. KOC là người có lượng fan không quá lớn nhưng gần gũi với người dùng, có nhiều kiến thức về sản phẩm và dễ thuyết phục fan mua hàng hơn, vì vậy đang được nhiều doanh nghiệp chuyển hướng lựa chọn hình thức này trong marketing sản phẩm”, ông Đỗ Hữu Hưng, Chủ tịch Chi hội Tiếp thị số, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết.
Vì sao KOL không còn là “con cưng” của marketer?
Cũng theo ông Đỗ Hữu Hưng, hiện các KOL (những người nổi tiếng) có lượng fan rất lớn, mỗi bài đăng trên facebook có thể hàng nghìn lượt like, share, tuy nhiên lại không giúp doanh nghiệp bán được hàng.
Dẫn chứng cho quan điểm này, ông Hưng lấy ví dụ về việc diễn viên Angela Phương Trinh chia sẻ thông tin giun đất chữa Covid-19 nhưng lại không nhận được sự đồng tình của cư dân mạng, nguyên nhân bởi diễn viên không phải chuyên gia về y tế, vì vậy khi nói về vấn đề y khoa sẽ không thuyết phục.
“Hình thức sử dụng các diễn viên, ca sĩ quảng cáo cho sản phẩm càng ngày sẽ bớt dần và không còn phù hợp đối với các doanh nghiệp hiện nay, họ chỉ làm được công việc là gây sự chú ý của cộng đồng đối với thương hiệu, chứ không thể bán được sản phẩm vì họ không phải chuyên gia, cũng không dành thời gian phản hồi từng khách hàng”, ông Hưng cho biết.
Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh đại dịch, nhiều doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu, vì vậy việc lựa chọn marketing thông qua KOC sẽ ưu thế hơn KOL. Bởi đa phần khi đặt lịch KOL, các thương hiệu đều phải trả tiền trước, KOL không chịu trách nhiệm về việc bán hàng cho doanh nghiệp. Trong khi KOC là sử dụng những người có sức ảnh hưởng, nhưng có chuyên môn trong một lĩnh vực, và cam kết phải bán được hàng mới trả phí.
“Các KOC có thể là beauty bloger, người review ô tô, các bác sĩ, doanh nhân… và toàn bộ việc hợp tác với KOC có thể được đo đếm bằng công nghệ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Xu hướng sử dụng KOC bắt đầu được nhiều doanh nghiệp sử dụng trong những năm gần đây. Đơn cử như trong một số bài chia sẻ về quản lý tài chính, Shark Phạm Thanh Hưng đã giới thiệu đến Finhay (ứng dụng đầu tư tài chính vừa và nhỏ). Nhiều người cho biết lần đầu tiên biết đến ứng dụng này là do sự giới thiệu của vị shark.
Hay gần đây nổi lên kênh Kiên Review, chuyên đánh giá các sản phẩm được quảng bá rầm rộ trên mạng. Bằng video quay lại trải nghiệm thực tế khi dùng sản phẩm, kênh này đã giúp người xem có cái nhìn chân thực nhất về các sản phẩm trên mạng. Nhiều người bình luận rằng, họ thường vào kênh xem review trước khi quyết định đặt mua.
Trong lĩnh vực làm đẹp, ngoài các beauty blogger, gần đây là sự tham gia ngày càng đông của đội ngũ chuyên gia gồm bác sĩ da liễu, bác sĩ thẩm mỹ… đã thu hút lượng lớn người xem.
Tại lĩnh vực được xem “khó nhằn” như bất động sản, việc nổi lên của kênh Nhà F, (chuyên đánh giá các căn hộ, dự án) cũng được các chủ đầu tư quan tâm và kết hợp để truyền thông cho các dự án.
"Người tiêu dùng hiện nay biết được cái nào là quảng cáo, cái nào không và kinh nghiệm quảng cáo của người dùng hiện tốt hơn cả Google, Facebook nên rất dễ tránh được quảng cáo. Vì vậy, việc thông qua người thứ ba để đưa ra cách marketing hiệu quả hơn, không phụ thuộc vào quảng cáo từ các nền tảng xã hội sẽ chinh phục khách hàng tốt hơn", ông Tuấn Hà, CEO Vinalink, chuyên gia đào tạo SEO và marketing, cho hay.
Có thể nói, khi người tiêu dùng đã khôn ngoan hơn trong việc lựa chọn sản phẩm cũng như nguồn thông tin về sản phẩm, thì cách thức quảng cáo, marketing cho các sản phẩm cũng phải đi theo hướng khác. Khi đó, các doanh nghiệp phải rất thận trọng trong việc lựa chọn người truyền tải thông điệp như KOC, KOL để tránh tình trạng hiệu ứng ngược.