‘Nhắm’ đúng các xu hướng marketing trong thời dịch
(DNTO) - Quan tâm đến sức khỏe, lan tỏa tinh thần đoàn kết cộng đồng, chú trọng trải nghiệm khách hàng… là những xu hướng marketing, truyền thông mà doanh nghiệp nên chú trọng trong và sau dịch Covid-19.
Nhiều xu hướng marketing mới sau dịch
Ông Tình Nguyễn – chuyên gia tiếp thị, truyền thông, quảng cáo, đồng sáng lập LadiPage, cho biết, dịch Covid-19 thay đổi căn bản hành vi của người tiêu dùng. Do vậy, các chiến lượng marketing, truyền thông của các doanh nghiệp cũng buộc phải thay đổi để kịp thời thích ứng.
Theo ông Tình Nguyễn, hiện có 4 xu hướng marketing doanh nghiệp nên chú trọng đẩy mạnh là bảo vệ sức khỏe, lan tỏa tinh thần đoàn kết cộng đồng, xu hướng làm việc và học tập tại nhà, chú trọng trải nghiệm khách hàng.
Đối với xu hướng chú trọng bảo vệ sức khỏe, theo nghiên cứu mới đây của Nielsen, sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam trong 4 quý liên tiếp. Trong quý I/2020, gần một nửa người tiêu dùng Việt xếp hạng sức khỏe là mối quan tâm số 1, dẫn đầu các nước trên thế giới.
Ông Tình Nguyễn cho biết, với xu hướng trên, các thương hiệu nên tập trung vào việc phát triển sản phẩm giúp chăm sóc cuộc sống lành mạnh hơn. Đồng thời, phải chú trọng đến việc áp dụng công nghệ mới trong việc mua hàng, giao hàng và thanh toán để người tiêu dùng cảm thấy yên tâm về sức khỏe.
Đối với xu hướng đoàn kết cộng đồng, theo vị chuyên gia này, các thương hiệu có thể biến mình thành một phần của cộng đồng bằng việc ghi nhận và tôn vinh tinh thần của cộng đồng, thông qua những thông điệp, logo ý nghĩa. Việc này vừa giúp tăng cường nhận diện cho thương hiệu, vừa tạo niềm tin với khách hàng.
“Có thể sản phẩm chưa thể bán ngay lập tức nhưng ít nhất một bộ phận người tiêu dùng thấy rằng thương hiệu không chỉ quan tâm đến kinh doanh mà còn quan tâm đến con người. Từ đó tình cảm của khách hàng dành cho thương hiệu tốt hơn và họ dễ dàng chấp nhận các sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu khi bán ra”, ông Tình chia sẻ.
Về xu hướng làm việc tại nhà, hiện nay, rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Salesforce, Alphabet (tập đoàn mẹ của Google), Facebook, Twitte ... đã có kế hoạch cho nhân viên làm việc từ xa, không chỉ hết năm 2020, thậm chí dài hạn. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Accenture, người tiêu dùng hiện có xu hướng lựa chọn các hoạt động có thể thực hiện trực tuyến.
Với xu hướng này, theo ông Tình Nguyễn, doanh nghiệp B2B (giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp) nên tiếp thị bằng cách sử dụng công nghệ để thực hiện các hình thức tiếp cận khách hàng từ xa. Đối với doanh nghiệp B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng), doanh nghiệp nên đổi mới công nghệ tiếp cận khách hàng và hỗ trợ tối đa việc mua sắm tại nhà khách hàng thông qua các công cụ mua sắm, thanh toán trực tuyến …
Cuối cùng, quan trọng nhất là xu hướng gia tăng trải nghiệm khách hàng vì nó sẽ quyết định hành vi người tiêu dùng năm 2021 (theo Customer Think). Ông Tình cho hay, khách hàng ngày càng quan tâm đến việc một thương hiệu có đồng cảm với họ hay không trước khi quyết định mua hàng. Vì vậy, muốn làm trải nghiệm khách hàng tốt, doanh nghiệp cần biến mỗi người nhân viên thành người truyền bá tư tưởng của thương hiệu.
“Doanh nghiệp thường giao trọng trách này cho bộ phận marketing, sale hay bộ phận dịch vụ khách hàng, trong khi khách hàng họ tương tác với tất cả các bộ phận. Vì vậy, mỗi người lãnh đạo cũng phải là người truyền bá tư tưởng thương hiệu và mọi người trong công ty đều phải hiểu về trải nghiệm khách hàng”, ông Tình Nguyễn nhấn mạnh.
Hiện nhiều doanh nghiệp cho rằng quy mô doanh nghiệp nhỏ không cần quan tâm đến trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên theo lãnh đạo của LadiPage, doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ càng dễ làm trải nghiệm khách hàng vì rất dễ tương tác với khách hàng, dễ ứng dụng công nghệ hơn các doanh nghiệp lớn.
Liên minh để marketing
Việc liên minh các doanh nghiệp không mới, tuy nhiên sau dịch Covid-19, ông Tình Nguyễn cho biết, các doanh nghiệp cần đổi mới cách kinh doanh, liên minh và quan hệ với đối tác.
“Những doanh nghiệp nhỏ nên tìm cách tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn. Còn với các doanh nghiệp lớn nên tìm cách giúp doanh nghiệp nhỏ, tìm cách kéo họ lên và biến họ thành một phần trong hệ sinh thái của mình, thông qua họ để bán hàng”.
Dẫn chứng về sự liên minh này, ông Tình Nguyễn nêu ví dụ của Vinalink – đơn vị đào tạo marketing. Cụ thể, trong thời gian Covid-19, Vinalink đã hỗ trợ đào tạo, truyền thông cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bán được hàng. Ngược lại, thương hiệu Vinalink thông qua hoạt động này được lan tỏa rộng hơn và các doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Vinalink sẽ là người giới thiệu khách hàng đến cho đơn vị này.
Hay câu chuyện của Instagram, họ hỗ trợ các doanh nghiệp đối tác bằng cách gắn các nhãn dán vào các bức ảnh của doanh nghiệp khi đăng trên ứng dụng này, giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận với khách hàng.
Theo ông Tình Nguyễn, việc doanh nghiệp tham gia kết nối cộng đồng, hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh là cách làm marketing ít tốn kém, hiệu quả mà các doanh nghiệp nên áp dụng ở thời điểm hiện tại.