Thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt: Bộ ba Ngân hàng - Fintech - Telco ‘ngồi chung mâm’
(DNTO) - Dịch Covid-19 thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt bứt tốc mạnh mẽ. Không chỉ là đối thủ, các ngân hàng, công ty fintech (dịch vụ tài chính) hay telco (công ty viễn thông), đang dần trở thành đối tác để phát triển các dịch vụ đón đầu xu hướng này.
Không ngại rót tiền để đầu tư hạ tầng
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2021, Việt Nam có trên 79 tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet, 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; với 271 nghìn POS và hơn 19 nghìn ATM trên thị trường.
Lượng giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng gần 70% về số lượng và hơn 30% về giá trị, giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 86% về số lượng và 123% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Hiện Việt Nam có hơn 100 triệu tài khoản thanh toán cá nhân (nếu loại trừ trường hợp một cá nhân mở nhiều tài khoản hoặc có những tài khoản không giao dịch), thì số lượng tài khoản thanh toán là rất lớn. Tuy nhiên, tỉ lệ giao hàng nhận tiền mặt tại Việt Nam vẫn phổ biến, chiếm 28% tổng số giao dịch thương mại điện tử, trong khi đó tỷ lệ này trên thế giới là 3%.
“Khi chúng tôi khảo sát thị trường, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ dù đã có tài khoản, nhưng lại không sử dụng để thanh toán giao dịch”, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông tin và cho biết hơn 4 năm nay, bên cạnh việc phát triển hạ tầng kĩ thuật, Sacombank phải phát hành thẻ chip, mã QR cho 5 loại thẻ quốc tế và nội địa, nâng cấp hệ thống bảo mật, chưa kể các dịch vụ tiện ích cho khách hàng…
Đồng quan điểm, ông Phạm Tấn Lộc, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank), cho biết phát triển ngân hàng số là xu hướng không thể chối cãi, vì vậy, Vietbank định hướng xây dựng nền tảng giao dịch số song song với phương thức giao dịch truyền thống, với mục tiêu giúp khách hàng có giải pháp thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi qua kênh số.
Cụ thể, Vietbank đang chuyển dần việc phát hành thẻ thông qua ứng dụng di động, rút ngắn thời gian đăng kí của khách hàng: 5 phút phát hành một thẻ debit, 10 phút phát hành thẻ tín dụng, thẻ trả trước chỉ mất 1 phút..., và thay thế hồ sơ giấy bằng hồ sơ điện tử, chữ kí số…
Có thể nói, các ngân hàng đều nhìn thấy rất rõ dư địa phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, và không ngại "rót tiền" đầu tư hạ tầng, "chạy đua" phát triển dịch vụ tài chính tiện ích phục vụ khách hàng.
Đến nay, 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố; 95% giao dịch hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 93,9% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trả lương qua tài khoản…
Bộ ba ngân hàng –fintech – telco là trụ cột
Tuy vậy, theo đại diện các ngân hàng, việc phát triển hạ tầng công nghệ để phục vụ thanh toán số tốn kém, phải cập nhật thường xuyên. Vì vậy, để phát triển hệ thống thanh toán không tiền mặt, không chỉ là câu chuyện của mỗi ngân hàng, mà phải có sự tham gia của các đơn vị khác trong hệ sinh thái.
Ví dụ như việc phát triển mã QR, các ngân hàng, các ví điện tử lại có mã QR riêng, khiến khách hàng phải tải nhiều ứng dụng, gây trở ngại khi sử dụng.
Hay việc chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng sử dụng EKYC (định danh khách hàng điện tử) đã được quy định trong Thông tư 16. Tuy nhiên, cùng một nền tảng nhưng mỗi ngân hàng lại triển khai riêng lẻ, gây tốn kém tài nguyên, nguồn lực khi liên kết.
“Vậy tại sao các ngân hàng không ngồi lại với nhau để chia sẻ kho dữ liệu này”, đại diện của Vietinbank bày tỏ băn khoăn và cho biết ngân hàng này đang từng bước chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, sẵn sàng kết nối mở với các tổ chức liên kết khác, đồng thời cũng đang “bắt tay” với các công ty fintech thực hiện chiến lược sử dụng công nghệ chéo và bán hàng chéo để giúp đôi bên cùng hưởng lợi.
Mở rộng liên kết, hợp tác cũng là việc Sacombank đang làm. Hiện ngân hàng này cho biết đã có hơn 100 đối tác công nghệ tài chính, ví điện tử để tạo một hệ sinh thái rộng mở cho khách hàng của các bên có thể sử dụng dịch vụ lẫn nhau.
“Khi phát triển cổng kết nối thanh toán, chúng tôi không ngại cạnh tranh và luôn rộng mở cho các đối tác, bởi trên thị trường lúc nào cũng sẽ có những dịch vụ tương đồng và việc lựa chọn là ở khách hàng”, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết.
Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc VNPay-QR cũng đồng tình với việc nên có một môi trường đồng nhất để các loại ví điện tử có thể liên thông với nhau, giúp người dùng thuận lợi hơn trong việc thanh toán, chứ không phải mỗi lần khách hàng thanh toán đều phải xem mã QR thuộc đơn vị nào, ứng dụng của mình có chấp nhận thanh toán tại đây hay không…
Đối với những công ty viễn thông, tuy là những “lính mới” trong lĩnh vực thanh toán không tiền mặt nhưng có lợi thế là các đại lý nhỏ phủ sóng toàn quốc, có thể lấp lỗ trống của các ngân hàng bằng việc phục vụ đối tượng khách hàng không có tài khoản ngân hàng.
Do vậy, theo bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc, Trung tâm Dịch vụ số, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, việc hợp tác giữa các bên cần được thúc đẩy để mở rộng tập khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Việc tạo ra hệ sinh thái lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt rất quan trọng. Trong đó, 3 trụ cột chính là ngân hàng – công ty viễn thông – công nghệ tài chính đóng vai trò tạo ra nền tảng để dẫn dắt hệ sinh thái, với sự tham gia của các nhà cung cấp sản phẩm hay các sàn thương mại điện tử…”, bà Phạm Minh Tú cho hay.
.