Một tuần ấn tượng của thị trường chứng khoán

(DNTO) - Thị trường chứng khoán đã ghi nhận nhiều dấu ấn đặc biệt trong tuần qua như việc VN30 lập đỉnh, khối ngoại chi mạnh giải ngân cùng triển vọng VN-Index vượt đỉnh lịch sử trong tâm lý tích cực của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán ghi nhận một tuần nhiều ấn tượng khi VN-Index tăng mạnh hơn 70 điểm, thanh khoản trung bình đạt trên 28 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh so với con số trung bình 22 ngàn tỷ đồng mỗi phiên trong tháng qua. Dòng tiền đã có dấu hiệu nhập cuộc và lan tỏa ở nhiều nhóm ngành.
Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE cũng tăng đột biến, trung bình đạt khoảng 1,2 tỷ cổ phiếu/phiên, tăng hơn 41% so với cuối tuần trước.
VN30 lập đỉnh lịch sử
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu VN30 lần đầu tiên vượt đỉnh lịch sử 1.600 điểm trong phiên cuối tuần, ngày 11/7, động lực chính đến từ các nhóm cổ phiếu họ Vin như VIC, VHM cùng các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng, thép, chứng khoán như VCB, VCI, HPG...

Ảnh minh họa
Đà tăng của VN30 lấn át nhóm cổ phiếu MidCap và SmallCap, nhóm MidCap còn có dấu hiệu giảm nhẹ. Áp lực bán cũng xuất hiện ở một vài cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng và dầu khí.
Điều này cho thấy, sự phân hóa thị trường khá rõ nét khi dòng tiền lớn ưu tiên chảy nhiều vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp chỉ số chung nới rộng đà tăng. VN-Index kết phiên cuối tuần tại 1.457 điểm, tăng 12 điểm so với phiên liền trước.
Vốn ngoại quay đầu mua ròng
Trong tuần, thị trường cũng ghi nhận sự quay đầu mua ròng của dòng tiền ngoại. Tính từ đầu tháng đến nay, khối này đã mua ròng tổng cộng hơn 11 ngàn tỷ đồng, trong khi từ đầu năm đến nay, khối ngoại chủ yếu xu hướng bán ròng.
Ngày 9/7, khối ngoại đã mua ròng gần 2 ngàn tỷ đồng, riêng phiên hôm nay hơn 1,1 ngàn tỷ đồng tập trung vào các cổ phiếu SSI, HPG, VHM. Chiều ngược lại, khối này lại xả mạnh với CTG, SHB.
Đây là một tín hiệu khá tích cực của thị trường khi khối ngoại duy trì một tuần mua ròng liên tiếp với khối lượng lớn, cho thấy kỳ vọng của khối này dành cho chứng khoán Việt Nam với cơ hội trong kỳ nâng hạng thị trường sắp tới.
Hướng đến vùng 1.500 điểm?
Chứng khoán Việt Nam đang đứng trước nhiều yếu tố thuận lợi. Trước hết, việc Việt Nam đạt được thỏa thuận sơ bộ thuế đối ứng với Mỹ bước đầu đã giúp duy trì tâm lý ổn định cho thị trường dù thách thức vẫn còn khi các thỏa thuận chưa rõ ràng. Tuy nhiên, so với các nước đã được ông Trump công bố thì mức thuế của Việt Nam có cơ hội cạnh tranh lớn.
Các số liệu kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm tương đối tích cực, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 15 năm qua, các động lực kinh tế mạnh mẽ đến từ đầu tư công, bán lẻ, xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam hoàn thành mục tiêu 8% trong năm nay. Các yếu tố trên là tiền đề quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trong năm 2025.
Theo đó, con số 1.500 điểm của VN-Index được nhiều chuyên gia dự báo.
Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, kịch bản xấu nhất của thị trường đã tạm thời đi qua đang mở đường cho triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn.
"Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng xu hướng tăng sẽ tiếp diễn trong phần còn lại của quý 3 với mục tiêu chinh phục vùng đỉnh lịch sử 1.550 điểm", Mirae Asset khuyến nghị.
trong khi đó, chuyên gia Lương Trung Hiếu từ MBS chia sẻ, trong ngắn hạn, theo quan điểm cá nhân ông, động lực tăng tiếp của thị trường dù không còn nhiều nhưng sẽ đủ để đưa thị trường lên tiếp trong giai đoạn tới.
"Chinh phục mốc lịch sử 1.520 điểm sẽ khả thi nếu các nhóm khác như MidCap nhận được tín hiệu dòng tiền chung và tăng điểm tích cực", ông Hiếu cho biết.
Cũnh theo ông, nhà đầu tư đừng quá quan trọng mốc điểm mốc kỷ lục 1.520 điểm bởi thị giá nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 đã vượt qua vùng kháng cự này rồi, trong khi đó trong nhóm MidCap thì nhiều cổ phiếu vẫn chưa về đỉnh của năm 2022 có thể phục hồi đưa thị trường đi lên tiếp.
Về cơ bản, dù có nhiều yếu tố đang hỗ trợ, nhà đầu tư cần lưu ý một số yếu tố rủi ro có thể xảy ra như thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam còn nhiều thông tin cần làm rõ; tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng và neo ở mức cao, cùng với áp lực lạm phát lớn có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất gây ảnh hưởng vào dòng vốn vào thị trường; các yếu tố vĩ mô bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các xung đột địa chính trị gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế.