Nhà nước có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nhân tài trong lĩnh vực KHCN

(DNTO) - Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đưa ra tiêu chí Nhà nước xác định nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và nhấn mạnh việc có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nhân tài trong lĩnh vực này.
Sáng 15/4, tiếp tục chương trình phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đổi mới sáng tạo đứng ngang với KHCN
Việc xem xét ban hành luật nhằm tạo hành lang pháp lý để KH,CN&ĐSMT đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng
Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những quan điểm đặt ra là thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH,CN&ĐMST để phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Cùng với đó mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm, các đại học và viện nghiên cứu là các chủ thể hỗ trợ cùng hướng tới mục tiêu hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng.
Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào và đứng ngang với KHCN. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Dự thảo luật bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước; cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong nước chưa giải quyết được.
Theo dự thảo, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, nhà khoa học, kỹ sư chủ trì nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được hưởng thêm các ưu đãi như: Hưởng lương, phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo thỏa thuận; được bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đi lại công vụ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ; thuê chuyên gia trong và ngoài nước; tự quyết việc mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ trong phạm vi kinh phí được giao...
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó quy đinh cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài. Quy định nhằm thu hút, giữ chân người tài tham gia hoạt động KHCN&ĐMST; thu hút nhân tài là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.
Theo đó, Nhà nước xác định nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên các tiêu chí: Trình độ học thuật được xác định thông qua các yếu tố như tốt nghiệp các trường hàng đầu thế giới, công bố nghiên cứu trên các tạp chí uy tín khoa học hàng đầu thế giới;
Kinh nghiệm làm việc được xác định thông qua các yếu tố như làm việc tập đoàn lớn, viện nghiên cứu quốc tế lớn hoặc có đóng góp cho các dự án trọng điểm quốc gia;
Năng lực đột phá được xác định thông qua việc sở hữu bằng sáng chế, giải thưởng quốc tế lớn, vai trò dẫn dắt khởi nghiệp sáng tạo thành công.
“Nhà nước có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các ưu đãi tài chính, ưu đãi phi tài chính và ưu đãi về điều kiện làm việc”, dự thảo luật nhấn mạnh và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cần thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội
Đề cập quy định các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù khi thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, dự thảo luật đã có quy định thể chế hóa nội dung này, như: Cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số; ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển KH,CN được ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển KH&CN, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Bên cạnh đó, một số quy định ưu đãi, vượt trội, đặc thù khác đối với viên chức, thuế, nhập cảnh… đã được sửa đổi, bổ sung trong các luật chuyên ngành khác.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, ví dụ nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về “chấp nhận độ trễ” trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo cũng quy định về vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ về các chính sách khẳng định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, cần tạo không gian mở, thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền tự do nghiên cứu và phát triển KH, CN&ĐMST, quyền tự do kinh doanh trong ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; từ đó, làm động lực để thúc đẩy phát triển KH, CN&ĐMST mạnh mẽ hơn.