Bước chuyển mình của MoMo: Từ ‘kỳ lân’ thành ‘cá mập’
(DNTO) - Quyết định rót vốn cho startup là bước đi chiến lược của MoMo nhằm mở rộng hệ sinh thái của mình khi đã đạt ngưỡng “kỳ lân”.
Tăng trưởng 1.000%/năm trong đại dịch
Cuối năm 2021, sau khi công bố hoàn thành vòng hoàn thành vòng gọi vốn thứ năm (series E) với số tiền huy động khoảng 200 triệu USD, MoMo chính thức trở thành một trong bốn thành viên của câu lạc bộ startup kỳ lân Việt Nam, với định giá công ty vượt mốc 2 tỉ USD.
Điều này không quá bất ngờ với cộng đồng khởi nghiệp, khi MoMo liên tục ghi nhận mức tăng trưởng hàng chục % mỗi năm, kể từ khi thành lập năm 2007.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp số hóa như MoMo. Chỉ trong hai năm đại dịch, MoMo ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 1.000% mỗi năm.
“Nếu không có Covid-19, chúng tôi phải làm 20 năm mới đạt được điều đó. Trước đây, chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để khuyến khích doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số thì trong đại dịch, việc đó trở thành tự nhiên và tất cả các rào cản kỹ thuật trước đây trở nên nhỏ bé”, ông Nguyễn Bá Diệp, nhà sáng lập và Phó Chủ tịch HĐQT MoMo chia sẻ.
“Kỳ lân” tiếp tục trở mình
Để trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam với 31 triệu người dùng, hơn 50.000 đối tác doanh nghiệp cùng hơn 50 đối tác ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm..., với hàng triệu giao dịch được thực hiện mỗi ngày, MoMo không thể không có sự đồng hành của các quỹ đầu tư mạo hiểm.
“Thời điểm khởi đầu từ 2017, khi chúng tôi làm MoMo, không ai ở Việt Nam tin chúng tôi làm được vì họ không hiểu chúng tôi làm gì. Chỉ có các quỹ ở nước ngoài đầu tư, vì họ nhìn được xu hướng về số hóa và giúp cho chúng tôi nguồn vốn đầu tiên. Cũng nhờ quỹ đầu tư nước ngoài, họ mang chúng tôi đến những nước có mô hình tương tự để chúng tôi học hỏi. Nếu công ty Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn nước ngoài và dùng trí tuệ Việt Nam phát triển thì rất tuyệt vời”, ông Bá Diệp cho hay.
Vì vậy, MoMo chuyển hướng sang rót vốn vào các công ty khởi nghiệp mới, là cách vừa giải quyết bài toán nguồn vốn cho startup mới, vừa giải quyết vấn đề cho chính MoMo.
“MoMo hiện trở thành nhà đầu tư, trở thành nền tảng để tất cả đơn vị có thể kinh doanh. Chúng tôi hiện cung cấp 400 loại hình dịch vụ khác nhau cho khoảng hơn 30 triệu khách hàng, dự kiến hết năm 2022 đạt 40 triệu khách hàng. Để có sự phát triển lớn như vậy cần nguồn nhân lực, dịch vụ bổ sung rất lớn. MoMo đứng trước lựa chọn: Một là tự phát triển dịch vụ thì sẽ mất rất nhiều thời gian và cơ hội ; cách 2 là đầu tư vào các công ty có sản phẩm, dịch vụ phù hợp với tiêu chí của MoMo và tích hợp họ vào hệ sinh thái của chúng tôi”, Chủ tịch MoMo chia sẻ.
Và như vậy, “kỳ lân” đã chọn hướng đi trở thành “cá mập”, khi quyết định thành lập Quỹ đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo và rót tiền vào hàng loạt startup.
Thương vụ đầu tiên của MoMo là mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique startup ra đời năm 2017, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho các doanh nghiệp số.
Chia sẻ về lý do rót vốn vào Pique, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết, nếu để MoMo tự mình phát triển AI thì sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể tính bằng năm. Trong khi đó, đầu tư vào Pique sẽ giúp MoMo có thể sử dụng sử dụng toàn bộ hệ thống bằng sở hữu trí tuệ, kĩ sư, quá trình phát triển AI nhanh hơn.
Sau thành công từ thương vụ thâu tóm Pique, MoMo tiếp tục đầu tư vào startup Nhanh.vn - Phần mềm quản lý bán hàng đa kênh với hơn 80.000 chủ shop đang hoạt động. Việc liên tục đầu tư vào startup giúp MoMo ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái của mình.
Trong năm 2022, MoMo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ số hóa, có thể bán hàng trên MoMo và có thể tiếp cận hàng chục triệu khách hàng của MoMo.
Chưa ngừng tham vọng IPO
MoMo đã từng nghĩ đến câu chuyện IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Lần gần nhất, đại diện MoMo từng chia sẻ mong muốn có sàn gọi vốn cho startup công nghệ trong nước như cách Mỹ, Singapore hay Trung Quốc đang làm.
Bởi theo ông Nguyễn Bá Diệp, các công ty khởi nghiệp có 2 giai đoạn, giai đoạn đầu tiên còn non trẻ thì rất cần nguồn vốn phát triển; giai đoạn hai khi phát triển đến một ngưỡng nhất định thì việc IPO rất quan trọng vì đến một quy mô nào đó, startup sẽ không thể gọi vốn mãi được mà cần nguồn vốn nội địa.
“Chúng tôi mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo có thể huy động vốn trong nước”, ông Diệp nhắc lại đề nghị cần có sàn IPO cho startup.
Khi chưa thể IPO, việc MoMo liên tục mở rộng hệ sinh thái bằng việc rót vốn cho startup được đánh giá là hướng đi đúng đắn. Đây cũng là con đường chung mà các "kỳ lân" khác như VNG hay một số tập đoàn lớn như FPT, Viettel, Vingroup đang đi, để vừa hỗ trợ startup, vừa phát triển chính doanh nghiệp của mình.
Tuy nhiên, về lâu dài, để thị trường khởi nghiệp Việt Nam có thể sản sinh ra nhiều kỳ lân như MoMo, vẫn cần sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ và cơ quan chức, chứ không thể để startup và doanh nghiệp tự "bơi" như thời gian vừa qua.