‘Cả thanh xuân kiếm tiền để hoạt động xã hội’

Hoàng Đức Minh, 31 tuổi nhưng đã có 12 năm công tác xã hội, trong đó 7 năm làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, 5 năm khởi nghiệp cũng với các dự án liên quan môi trường. Anh là người triển khai nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường gây tiếng vang như “6.700 người vì 6.700 cây xanh”, “Save Sơn Đoòng”, “Tôi ghét nilon”.

Năm 2015, Minh lần đầu khởi nghiệp với dự án “Wake it up” - nền tảng công nghệ kết nối các tổ chức và nhà hoạt động xã hội để gây dựng chiến dịch thiện nguyện.

Năm 2017, Minh tiếp tục khởi nghiệp với dự án số 2 mang tên Kindmate, giúp khách hàng mua sắm tại các cửa hàng có hợp tác với Kindmate có thể lựa chọn giảm giá hoặc quy đổi khoản giảm giá đó thành tiền ủng hộ cho các dự án xã hội.

Sở dĩ, một người không có gì ngoài nhiệt huyết cống hiến xã hội quyết định bước chân vào con đường đầy chông gai mang tên khởi nghiệp, dù chưa biết thành công hay thất bại, là có nguyên do.

Minh chia sẻ, các chiến dịch trước đây anh từng làm tuy tác động tốt nhưng sức lực của các tổ chức có hạn, mỗi năm chỉ có thể triển khai từ 1-2 dự án, Minh mong muốn các chiến dịch bảo vệ môi trường của mình có tác động lớn hơn đến cộng đồng và Minh tìm đến công nghệ.

Thời điểm đó, Facebook và Google đã thay đổi rất lớn xã hội. Trước đây, các tổ chức chủ yếu truyền thông qua tờ rơi, áp phích…thì nay các tổ chức có thể dễ dàng tổ chức hoạt động truyền thông online. Trong đầu chàng trai trẻ nghĩ đến việc startup một công nghệ có thể kết nối giữa các tổ chức xã hội và tình nguyện viên để mọi người tham gia hoạt động cộng đồng dễ dàng hơn.

Bước ngoặt khi về chung nhà cùng MoMo

2

Thế nhưng, đến năm 2019, Minh chính thức dừng Kindmate và đưa nền tảng gây quỹ cộng đồng về với Ví điện tử MoMo. Tham gia tọa đàm "Gen X - Y - Z bảo vệ môi trường như thế nào?" tối 29/12, lần đầu tiên Hoàng Đức Minh chia sẻ về lý do dừng các dự án khởi nghiệp và quay về đầu quân cho MoMo.

Minh kể, nền tảng gây quỹ cộng đồng của Minh mặc dù ra mắt cũng đã nhận được đầu tư và sự ủng hộ của cộng đồng nhưng khá vật vã để sống. Cách đây 4 năm, chia sẻ trên báo chí, Minh từng tiết lộ Wake it up vẫn có doanh thu nhưng rất khó để bù đắp chi phí cho vấn đề nhân sự, marketing. Còn tính đến khi “bán mình” cho MoMo, tổng số tiền đầu tư vào các dự án này lên tới hơn 2 tỷ đồng.

“Coi như cả tuổi thanh xuân của mình kiếm tiền để đi làm hoạt động xã hội”, Minh nói và cho biết quyết định về với MoMo vì đây là siêu ứng dụng với lượng người dùng đông đảo. Nếu nhóm người dùng đó có thể chung tay bảo vệ môi trường, ví dụ mỗi người chỉ cần trích 1.000 đồng thì sẽ xây được rất nhiều trường, trồng rất nhiều cây.

Về với ví điện tử lớn nhất Việt Nam, Minh đảm nhận chức vụ Giám đốc Bộ phận Gây quỹ cộng đồng MoMo, nơi anh vẫn có thể phát huy đam mê và khát vọng cống hiến cho cộng đồng. Minh cũng từng chia sẻ rằng các dự án thất bại không làm chùn bước chân anh đi theo con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, không nhất thiết phải là người sáng lập hay CEO, mà chỉ cần cống hiến cho giấc mơ của người khác cũng vui rồi. 

Nhóm của Minh đã triển khai dự án "Nuôi heo MoMo" bằng việc kêu gọi cộng đồng “vỗ béo” chú Heo Đất của mình thông qua các nhiệm vụ hằng ngày như đi bộ mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe, trả lời câu hỏi đố vui, chia sẻ việc tốt với bạn bè hoặc thanh toán các dịch vụ trên MoMo... MoMo sẽ quy đổi Heo Vàng thành tiền thật và chuyển tới những hoàn cảnh cần giúp đỡ..

“Ban đầu, cứ 10 người nuôi heo thì sẽ có 1 người quyên góp bằng tiền mặt. Hiện nay, số lượng này đã tăng lên, cứ 6 người nuôi heo sẽ có 1 người quyên góp bằng tiền mặt. Trong năm vừa qua, tổng số tiền chúng tôi quyên góp được từ người chơi cho đến doanh nghiệp là hơn 33 tỷ đồng, có thể xây được 20 trường học”, Minh tiết lộ.

3

Sau hơn 2 năm triển khai, nhóm người nuôi heo trên MoMo lên tới 7 triệu người, trung bình một tháng có khoảng 2 triệu người chơi. Cộng đồng đi bộ trên MoMo cũng rất lớn, trung bình một ngày có khoảng 100 nghìn người tham gia. Cộng đồng từ thiện trên MoMo được xem là cộng đồng từ thiện lớn nhất Việt Nam.

“Theo tư duy của chúng tôi khi bạn làm từ thiện vì lý do tình cảm, một năm bạn chỉ có thể làm được 1-2 lần, không có ai có thể đi quyên góp mỗi ngày. Các dự án từ thiện ngày nay đều cạnh tranh nhau bởi sự đáng thương, cạnh tranh nhau bởi mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng nhiều dự án không phải đi cạnh tranh nhau như thế nhưng vẫn cần sự giúp đỡ của xã hội.

Ở trên cộng đồng nuôi heo, chúng tôi đã làm được việc đó, tức mọi người quyên góp như một thói quen hàng ngày, không quan trọng đó là dự án nào. Hiện đã có khoảng 20-30.000 người quyên góp đều đặn hàng ngày, mỗi ngày 1-2.000 đồng, không đáng kể nhưng nó giúp 99% dự án lên MoMo Heo đất có thể gây quỹ thành công. Mỗi tháng đều đặn, chúng tôi giúp gây quỹ thành công cho khoảng 20 dự án”, Minh chia sẻ.

Chuyển hướng

Khi bạn làm từ thiện vì lý do tình cảm, một năm bạn chỉ có thể làm được 1-2 lần, không có ai có thể đi quyên góp mỗi ngày (2)

Tròn 12 năm hoạt động cộng đồng, Minh cho biết mỗi khi mình làm gì đều cố gắng, nỗ lực để đạt mục tiêu. Vì vậy, thời gian tới Minh dừng các hoạt động chuyên nghiệp, hướng đến việc nâng cao bản thân.

Dự kiến 2022 sẽ là năm cuối cùng chàng trai này làm việc cho một tổ chức, và anh sẽ chuyển sang làm việc tự do và dành nhiều thời gian hơn cho việc rèn luyện cá nhân: học nhạc cụ, chơi thể thao…

“Khi mình đã tạo được một tác động lớn cho xã hội, thì điều mình thấy thiếu lại là cá nhân mình nhiều hơn. Mình chưa thực sự đạt được kì vọng trong việc rèn luyện bản thân, ví dụ tôi thuê PT hướng dẫn nhưng những ngày không có họ là mình không tập, khi đã tự do về tài chính, tôi muốn được tự do trong việc quản lý bản thân, sức khỏe…”, Minh nói.

Huyền Trang