App tín dụng đen và startup fintech: Khi ‘quýt làm cam chịu’
(DNTO) - Ứng dụng cho vay tín chấp kiểu tín dụng đen hoạt động rầm rộ trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nhiều startup fintech (công nghệ tài chính) với mô hình hoạt động tương tự.
Mang tiếng oan vì app tín dụng đen
300 ứng dụng cho vay tiền nằm trong một đường dây cho vay nặng lãi xuyên quốc gia, do đối tượng nước ngoài cầm đầu, vừa bị lực lượng chức năng Việt Nam triệt phá. Điều tra ban đầu cho thấy, đã có tới 159.000 khách hàng vay tiền với số tiền 1.802 tỷ đồng. Đến khi bị bắt, đối tượng đã giải ngân được hơn 569 tỷ đồng, thu lợi hơn 322 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Thế Vinh, Quản lý dự án tại Rootopia.vn – nền tảng cho vay học phí trực tuyến, nếu ngân hàng chỉ phục vụ các khoản vay lớn thì câu chuyện còn lại sẽ của fintech, ví điện tử, mobile money để khơi thông dòng chảy về vốn, với những đối tượng không đủ điều kiện để vay ngân hàng. Nhưng hiện nay, các công ty trong lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động của các app tín dụng đen.
“Các công ty fintech cho vay và đầu tư rất dễ bị đánh đồng với app tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Đây là khó khăn cho các fintech khi nhận thức của người dân còn hạn chế, đặc biệt người dân ở vùng sâu vùng xa”, ông Ngô Thế Vinh cho biết trong sự kiện “Hệ sinh thái công nghệ tài chính toàn diện”, ngày 28/10..
Đồng tình với quan điểm này, TS Đinh Thị Thanh Vân, nguyên Phó Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang phát triển một fintech, cho biết các ứng dụng để xin được giấy phép và được chấp thuận đưa lên kho ứng dụng của Apple (Apple Store) đã rất khó. Nay chính những app tín dụng đen làm cho những đơn vị chính thống khó khăn khi được Apple Store chấp thuận.
Theo TS Vân, để giải quyết tình trạng này, không bằng cách nào khác phải nâng cao kiến thức về tài chính cho người dùng. Phía đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính phải có những thông tin minh bạch, dễ dàng và tạo sản phẩm giúp người dân có thể tiếp cận dễ nhất.
“Khi người dùng có kiến thức, họ sẽ chủ động tìm kiếm đơn vị chính thống để vay, tránh được tín dụng đen và lừa đảo. Họ còn có thể bảo vệ mình bằng cách báo công an khi bị đe dọa đòi nợ. Các cơ quan nhà nước như Bộ Công an, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính… phải có chế tài hỗ trợ cho thị trường hoạt động”, TS Vân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Viết Châu, Giám đốc sáng tạo khối ngân hàng số MB cho biết, tình trạng tín dụng đen luôn rất “nóng” trong ngành tài chính nhưng hàng chục năm nay, các ngân hàng truyền thống vẫn chưa thể giải quyết. Sự xuất hiện của startup fintech góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen và các startup hãy nỗ lực theo đuổi các ý tưởng vì đây cũng là cơ hội của các công ty fintech có thể hợp tác với ngân hàng để hướng tới mục tiêu chung là giải quyết các vấn đề cho khách hàng.
Vẫn chờ pháp lý
Là một lĩnh vực kinh doanh mới nên khổ pháp lý cho fintech ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng cho lĩnh vực thanh toán. Dẫu vậy, điều này vẫn chưa đủ hành lang cho các công ty công nghệ tài chính hoạt động.
“Hiện tại có 30 giấy phép được cấp cho các ví điện tử và trung gian thanh toán. Con số này nghĩ thì nhiều nhưng thực tế các số lượng công ty, startup trong mảng này lớn hơn rất nhiều. Con số 30 chưa đủ đáp ứng thị trường 100 triệu dân như Việt Nam”, ông Ngô Thế Vinh cho biết.
Chưa có khung khổ pháp lý nên những startup fintech như của TS Đinh Thị Thanh Vân rất khó khăn khi xin giấy phép để đưa sản phẩm tài chính lên nền tảng của mình.
“Xin giấy phép của Bộ Công thương cũng không được, xin giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cũng không phải vì họ nói rằng đây là lĩnh vực mới, chưa có căn cứ để áp dụng, nên chúng tôi cũng không thể làm. Trong khi đó để kết nối với đối tác như ví điện tử MoMo, chúng tôi bắt buộc phải có một số giấy phép. Rất nhiều thứ ở trong vùng xám mà công ty fintech thấy rằng không cấm, nhưng cũng không được làm, với đơn vị chúng tôi cẩn thận hơn thì chúng tôi không làm nhưng điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các công ty fintech”, bà Vân cho hay.
Hiện Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng. Các startup trong lĩnh vực này đang mong mỏi dự thảo được thông qua để tạo thành hàng lang pháp lý cho hoạt động của mình.