Fintech vẫn tiếp tục 'đón lõng' vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2023
(DNTO) - Tính ưu việt trong giải quyết các vấn đề tài chính từ các xu hướng Fintech (công nghệ tài chính) tiếp tục được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2023.
Nhiều kỳ lân mới sinh ra trong fintech
Sự lạnh lẽo trên thị trường vốn mạo hiểm trong năm 2022 kéo theo sự ảm đạm chung của thị trường khởi nghiệp thế giới. Tổng vốn đầu tư, số lượng thương vụ và số lượng kỳ lân trên toàn cầu đều sụt giảm. Tình trạng này tiếp tục dự báo sẽ kéo sang cả năm 2023. Tuy nhiên, trong bức tranh màu xám nói chung vẫn có những điểm sáng. Fintech là một trong số đó.
Theo CB Insights, lĩnh vực công nghệ tài chính đã chứng kiến sự tăng vọt về số lượng kỳ lân (startup tỷ đô), từ 110 kỳ lân năm 2021 lên gần gấp đôi là 219 trong năm 2022. Fintech cũng là ngành ghi nhận mức tăng trưởng đầu tư cao nhất trong năm, tăng 270%.
Một điều thú vị khác được nhìn thấy là tỷ lệ kỳ lân/số lượng startup trong lĩnh vực fintech cũng rất cao, chiếm 1,98%, lớn hơn tỷ lệ trung bình của thị trường. Điều này khẳng định đây tiếp tục là lĩnh vực tiềm năng thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, fintech cũng vẫn “hot”, bất chấp khung khổ pháp lý cho lĩnh vực này chưa hoàn thiện. Năm 2022, dù dòng vốn mạo hiểm vào thị trường sụt giảm 18% so với năm trước nhưng các công ty dịch vụ tài chính vẫn nổi lên là một mô hình kinh doanh đầy tiềm năng như quản lý tài sản, bảo hiểm, nền tảng trả lương tức thì.
Dịch vụ tài chính vẫn thu hút tới 162 triệu USD, tăng 2,6 lần so với mức 61 triệu USD của năm trước đó (theo Do Ventures và Cento Ventures). Những ngày cuối năm 2021, đầu năm 2022, ví điện tử MoMo chính thức đạt ngưỡng kỳ lân với định giá trên 2 tỷ USD, sau khi công bố hoàn thành vòng hoàn thành vòng gọi vốn thứ năm (series E).
Trước đó, hai startup còn lại trong câu lạc bộ kỳ lân Việt Nam là VNG và VNPay, là những doanh nghiệp đa lĩnh vực, trong đó có cả fintech. Điều này có thể thấy, công nghệ tài chính đang là mảnh đất màu mỡ và dễ dàng sản sinh ra các kỳ lân.
“Trước tiềm năng của thị trường, các nhà đầu tư đều chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng một tập khách hàng hiện hữu để tương lai có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng đầy đủ”, ông Đỗ Danh Thanh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ chuyển đổi số và chiến lược công nghệ thông tin, Deloitte Việt Nam, chia sẻ.
Báo cáo của Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate mới đây cũng dự báo, mặc dù vốn mạo hiểm chậm lại trong năm 2022 nhưng nhìn chung trong thập kỷ tới, dòng vốn tập trung nhiều vào lĩnh vực y tế và tài chính. Trong đó Đông Nam Á sẽ ghi nhận nhiều kỳ lân nổi lên ở lĩnh vực fintech.
Việt Nam – điểm sáng fintech
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã có 154 công ty fintech, trong đó 70% là startup. Trong năm 2022, nhiều startup tiếp tục huy động được nguồn vốn đầu tư như Timo 20 triệu USD, Finhay gọi được 25 triệu USD, Fundiin 5 triệu USD, Afin gọi được 4,8 triệu USD, MFast gọi 2,5 triệu USD…
Theo ông Đỗ Danh Thanh, đại diện Deloitte Việt Nam, ở góc độ nhà đầu tư, đương nhiên họ nhìn thấy tương lai sáng lạng của thị trường Việt Nam.
“Theo phân tích của Big4, có 3 lợi thế của thị trường Việt Nam để phát triển các ngân hàng số. Thứ nhất là sự phát triển nhanh của tầng lớp trung lưu, tầng lớp có thu nhập trên trung bình, có tiềm lực sử dụng các sản phẩm tài chính số. Thứ hai là sự phát triển nhanh của tỉ lệ sử dụng thuê bao ở Việt Nam, lên tới 115%. Thứ ba, sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam thuộc Top đầu trong khu vực. Đó là những yếu tố nhà đầu tư nhìn ra được tương lai sử dụng sản phẩm fintech từ Việt Nam”, ông Danh nói.
Cũng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng cho công nghệ tài chính, ông Jalil Rasheed, chuyên gia đến từ Viện Tony Blair về Thay đổi toàn cầu (tổ chức phi lợi nhuận do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thành lập, nhằm hỗ trợ các nước giải quyết thách thức lớn) cho biết, các dự báo đều cho thấy dòng vốn đầu tư mạo hiểm dịch chuyển về khu vực Đông Nam Á và chảy về các lĩnh vực như tài chính, giáo dục và y tế.
“Các khoản đầu tư mạo hiểm giai đoạn tới được dự đoán sẽ tạo ra sự bùng nổ của fintech ở khu vực Đông Nam Á, gồm tài chính của lao động phi chính thức hay con đường tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, Việt Nam đang củng cố danh tiếng của mình như một ngôi nhà an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư mạo hiểm, đặc biệt trong lĩnh vực fintech và thương mại điện tử, khi đây là những lĩnh vực thu hút vốn đầu tư lớn nhất trong năm 2022”, ông Jalil Rasheed nhấn mạnh.
Dự báo của Robocas Group cho thấy thị trường fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào năm 2024. Với sự gia nhập ngày càng đông đảo của các startup, các nhà đầu tư, cũng như sự hoàn thiện của hệ sinh thái khởi nghiệp, nỗ lực lấp đầy khoảng trống pháp lý, thị trường fintech Việt Nam được kỳ vọng sẽ sản sinh thêm nhiều kỳ lân trong giai đoạn tới.