TS Nguyễn Trí Hiếu: ‘Ngân hàng số chỉ là tấm áo màu mè, người dân cần sự phục vụ thực chất hơn’
(DNTO) - Theo chuyên gia ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, rất nhiều người dân vùng sâu, vùng xa, thu nhập thấp đang không được ngân hàng phục vụ, do vậy, dù ngân hàng có chạy theo dịch vụ số hiện đại cũng không có ý nghĩa.
Người Việt Nam khó vay tiền mua ô tô
Trao đổi trong Hội thảo Dịch vụ Ngân hàng cá nhân Việt Nam 2021 do IDG tổ chức ngày 23/12, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thị trường ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng với 100 triệu dân đang trong thời điểm lao động vàng.
Tuy nhiên, hiện tại mới khoảng 50-60% người dân tiếp cận được sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; còn 30-40% không thể tiếp cận được. Đó là lý do vì sao tỉ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam chỉ khoảng 16-20 xe/1.000 dân, trong khi đó tỉ lệ này ở Thái Lan gấp 10 lần, Malaysia gấp 20 lần.
Một trong những nguyên nhân là thu nhập của người dân còn thấp. Năm 2020, GDP Việt Nam là 354 tỷ đồng, trung bình thu nhập mỗi người chỉ có 350 USD/người/năm; trong khi các nước khu vực gấp gần 10 lần. Với thu nhập thấp như vậy, đây là một trở ngại.
Thứ hai là dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng còn rất hạn chế. Hiện rất ít người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay mua ô tô, những người tiếp cận được chủ yếu là người có thu cập cao. Bởi Việt Nam chưa có một hệ thống chấm điểm tín dụng cho người dân. Do vậy, các ngân hàng vẫn dựa vào những thẩm định riêng của họ với những tiêu chí riêng, đa phần đòi hỏi tài sản bảo đảm mới cho vay.
Theo ông Hiếu, dịch vụ ngân hàng cá nhân ở Việt Nam đang được phục vụ dưới chuẩn. Việt Nam hiện có 100 triệu người dân, trong đó số người trưởng thành rất lớn nhưng chỉ một phần trong số họ có tài khoản ngân hàng và đang được các ngân hàng cho vay. Còn rất nhiều người trưởng thành ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, không có việc làm ổn định bị đặt ra ngoài sự phục vụ của ngành ngân hàng.
Trong khi đó, dịch Covid-19 đang trở nên ngày càng nghiêm trọng, số lượng người dân mất việc làm, mất thu nhập ngày càng gia tăng, vì vậy giới tiêu dùng ở Việt Nam càng phải được quan tâm nhiều hơn.
“Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ nhưng phải ‘chọn mặt gửi vàng’, tức chọn sản phẩm, dịch vụ nào phù hợp với túi tiền và đời sống của người Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Đừng cố chạy theo ngân hàng số
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, các ngân hàng đang phân thành các xu hướng: một hướng theo đuổi ngân hàng truyền thống, một hướng theo đuổi ngân hàng số, một số tổng hợp cả 2 xu hướng trên. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, quan trọng nhất là các ngân hàng ở Việt Nam phải có nền tảng tài chính cho người dân trước khi theo đuổi những thứ mới mẻ.
“Tôi về Mỹ và hỏi những người bạn của tôi về mobile money, họ nói họ không dùng, chỉ có những nước như Trung Quốc, Việt Nam hiện sử dụng tiền mặt nhiều và cần tìm giải pháp mới nghĩ đến mobile money. Phần lớn các ngân hàng ngoài kia quảng cáo đều là những trải nghiệm của giới trẻ, sản phẩm hiện đại, đó chỉ là những tấm áo màu mè.
Tôi nghĩ sẽ có sự phân hóa giữa 2 xu hướng ngân hàng truyền thống và hiện đại và các ngân hàng nên tạo một nền tảng chắc chắn cho tất cả người dân, từ tất cả dịch vụ truyền thống như tiền gửi ngân hàng, tiết kiệm, cho vay, lãi suất, quản trị rủi ro như thế nào và một chương trình giáo dục tài chính cho toàn thể người dân Việt Nam một cách rộng rãi. Có nền tảng đó rồi mới tính tới những sản phẩm mới”, ông Hiếu nhấn mạnh.