Cần gỡ những rào cản pháp lý tạo 'bệ phóng' cho số hoá ngân hàng
(DNTO) - Luật Giao dịch điện tử 15 năm nay chưa sửa đổi, bổ sung, đặt ra câu hỏi hành lang pháp lý đảm bảo an toàn để triển khai được các hoạt động giao dịch điện tử tại các ngân hàng liệu có được trơn tru?
Nhiều dịch vụ của ngân hàng số vẫn đang "mắc kẹt"
Hiện nay, các ngân hàng thương mại đã không ngần ngại đầu tư và phát triển chuyển đổi số, tung ra các sản phẩm dịch vụ phong phú nhằm gia tăng trải nghiệm của khách hàng mọi lúc mọi nơi. Tuy vậy, hoạt động số hoá của các định chế vấp phải nhiều điểm nghẽn, cần sớm được tháo gỡ.
Về vấn đề này, tại Toạ đàm "Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay và kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng", ngày 15/12, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng eKYC (quy trình định danh khách hàng điện tử) nhưng mới chỉ bước đầu, hành lang pháp lý để phát triển chưa có.
Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn hiện nay của các bộ, ngành nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng chưa sửa đổi nhiều. Vì vậy, các ngân hàng thương mại không ứng dụng được công nghệ thông tin vào hoạt động các lĩnh vực chuyên sâu.
"Thực tế, có những ngân hàng hiện nay đã mở rộng, đưa doanh thu hoạt động dịch vụ chiếm tới 40% tổng doanh thu. Song, một số luật ban hành vẫn chưa phù hợp do Luật Giao dịch điện tử vẫn chưa được sửa đổi. Đây là vấn đề cấp thiết, cần nhanh chóng sửa đổi để tạo điều kiện cho ngân hàng số bùng nổ," ông Hùng kiến nghị.
Chỉ ra những vướng mắc còn tồn tại, ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng giám đốc VPBank, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, cho rằng, việc định danh khách hàng bằng phương thức điện tử chỉ áp dụng để định danh khách hàng trong hoạt động phòng chống rửa tiền và mở tài khoản thanh toán, chưa được áp dụng chung cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định các hoạt động nghiệp vụ khác chưa quy định về việc định danh khách hàng, đặc biệt Thông tư 01 về phát hành giấy tờ của tổ chức tín dụng vẫn còn quy định phải phát hành trực tiếp tại địa điểm mạng lưới của tổ chức tín dụng.
"Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định và cơ chế triển khai đối với việc Ngân hàng có thể định danh khách hàng dựa trên việc khai thác thông tin đã được định danh tại bên thứ 3 có các tiêu chuẩn tương đương như các ngân hàng đại lý, tổ chức tín dụng, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính (chứng khoán, bảo hiểm) hoặc việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia, dịch vụ công, Công ty viễn thông, điện, nước, các nguồn dữ liệu của các tổ chức khác ở Việt Nam, nước ngoài….", ông Long cho biết thêm.
Nêu lên những thực trạng, nhu cầu sử dụng phương tiện điện tử trong hoạt động cấp tín dụng, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho hay, hiện chưa có cơ sở thực hiện các giao dịch điện tử trong hoạt động cho vay và bảo lãnh nếu như chưa có các hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
"Với thực trạng các quy định pháp luật trong hoạt động tín dụng hiện hành, các tổ chức tín dụng sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro trong việc triển khai, áp dụng các phương tiện điện tử trong hoạt động cấp tín dụng để vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và vừa đáp ứng nhu cầu kinh doanh", bà Phương chia sẻ.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Đối với giải pháp xác thực giao dịch, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 630 quy định về các giải pháp xác thực giao dịch thanh toán trực tuyến trên Internetbanking và Mobibanking đối với 10 hình thức xác thực giao dịch, căn cứ 4 cấp độ giao dịch theo loại giao dịch, giá trị giao dịch (giao dịch loại A, B, C, D), trong đó, giao dịch loại A được xác thực giao dịch bằng chính yếu tố xác thực khách hàng (Tên đăng nhập, mật khẩu hoặc mã PIN).
"Tuy nhiên, vướng mắc là Quyết định 630 chỉ đề cập đến phạm vi giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong khi các giao dịch trên kênh điện tử của ngân hàng còn phát sinh nhiều loại khác như: gửi tiền gửi có kỳ hạn, cho vay, ngoại hối…, các giao dịch tài chính và phi tài chính khác nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của các tổ chức tín dụng", đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho biết.
Ngoài ra, quy định tại Thông tư 35 chỉ phù hợp đối với các trường hợp khách hàng truy cập internet banking từ ứng dụng của ngân hàng, không phù hợp để đáp ứng các giao dịch thanh toán thương mại điện tử, thanh toán chi phí nhu cầu phát sinh thường xuyên của khách hàng như nhu cầu thanh toán điện, nước, điện thoại, thanh toán QRcode… trên các ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng của bên thứ ba do các ứng dụng này thường có phương pháp định danh khách hàng không cấu trúc phức tạp như quy định tại Điều 9 Thông tư 35.
Do vậy, Hiệp hội ngân hàng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước mở rộng phạm vi áp dụng của Quyết định 630, cho phép áp dụng các giải pháp xác thực đối với các giao dịch Ngân hàng điện tử, bao gồm giao dịch thanh toán, chuyển tiền, giao dịch tài chính giá trị tương đương và giao dịch phi tài chính.
Đặc biệt, cần gấp rút sửa đổi Thông tư 35, cho phép các tổ chức tín dụng được áp dụng giải pháp xác thực khách hàng thông qua bên thứ ba cung cấp dịch vụ và/hoặc chỉ cần áp dụng một yếu tố xác thực khách hàng (yếu tố người dùng có như thẻ thông minh, thiết bị token, điện thoại di động) đối với các giao dịch thương mại điện tử, thanh toán phí dịch vụ thường xuyên và các khoản thanh toán giá trị thấp, tương đương giao dịch loại A, B quy định tại Quyết định 630.
Bên cạnh những vướng mắc liên quan đến định danh khách hàng, theo ông Long, hiện nay, việc các tổ chức tín dụng được tiếp cận với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp, tài sản, đất đai, thuế… có giá trị to lớn trong việc đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, an toàn, phòng ngừa rủi ro gian lận, rửa tiền, tội phạm, tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội.
Tuy nhiên, dù đã có văn bản luật quy định về khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn việc khai thác, phương thức khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia của các tổ chức tín dụng. Điều này dẫn đến các tổ chức tín dụng hiện nay đang xây dựng hệ thống dữ liệu riêng cho từng tổ chức tín dụng mà không thể tiếp cận, khai thác hệ thống dữ liệu chung của quốc gia, không đảm bảo tính an toàn, minh bạch, không kịp thời phát hiện các trường hợp gian lận, lừa đảo qua hệ thống ngân hàng, gây tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội.
"Đề nghị Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng được khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp thông qua cổng kết nối trực tiếp với các tổ chức tín dụng. Đồng thời, ngân hàng nhà nước nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định Luật Các tổ chức tín dụng về việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các hệ thống dữ liệu quốc gia khác để góp phần minh bạch, lành mạnh hóa nền kinh tế", ông Long kiến nghị.