Ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp
(DNTO) - Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tiêu thụ, hàng giả, hàng nhái trên thị trường theo đó cũng tăng cao đột biến, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ngày 15/12, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu,Tổng cục Hải quan, thông tin, dù dịch bệnh khiến ngưng trệ nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, song thực trạng hàng lậu, hàng giả vẫn diễn ra, thậm chí các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trốn tránh sự kiểm tra kiểm soát của lực lượng chức năng.
Cụ thể, trong 9 tháng của năm 2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng. Riêng đối với hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 10 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.
"Gây chấn động gần đây nhất là vụ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá trái với quy định tại công ty Cổ Phần Giám định Đại Minh Việt. Quá trình điều tra cho thấy, công ty Cổ Phần Giám định Đại Minh Việt đã tự thiết kế và phát hành gần 400 mẫu CO cho 33 doanh nghiệp, để các doanh nghiệp này xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài, thu lợi bất chính lên tới gần 600 tỷ đồng. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ các sai phạm của các đối tượng liên quan...", Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu thông tin.
Cũng theo ông Hùng Anh, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. "Đặc biệt, các đối tượng vi phạm đã đẩy mạnh kinh doanh hàng lậu, hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử. Các dịch vụ đi kèm thương mại điện tử như chuyển phát, thanh toán hiện đại, nên hàng hóa được luân chuyển rất nhanh, khó kiểm soát. Cùng với đó, các đối tượng vi phạm thường đặt kho hàng xa khu dân cư, thay đổi tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội liên tục... gây không ít khó khăn trong công tác đấu tranh", ông Hùng Anh nhận định.
Đáng nói, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường không chỉ gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, doanh thu của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính…
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp tham dự Tọa đàm, bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thẳng thắn chia sẻ: “Trên mạng xã hội việc buôn bán hàng giả khá tùy tiện; việc quảng cáo hàng giả một cách liều lĩnh, thản nhiên…, điều này có thể khiến doanh nghiệp phá sản. Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát, xử lý được vấn đề hàng giả, hàng nhái có nguy cơ làm triệt tiêu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chân chính trong nước”, bà Vũ Kim Hạnh nêu thực trạng.
Là doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả trên thị trường, ông Hứa Quang Vinh,Trưởng ban thị trường hàng giả Công ty Cổ Phần Nhựa Tiền Phong, khẳng định: Hàng giả, hàng nhái không chỉ là vấn đề nhức nhối với nhựa Tiền Phong mà còn là vấn đề nghiêm trọng với hệ thống phân phối cũng như người tiêu dùng. “Trên thị trường, các sản phẩm làm giả, nhái chủ yếu tập trung vào ống nhựa PVC, phụ tùng nhựa PPR và có mẫu mã giống hệt sản phẩm của chúng tôi, khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần”, ông Vinh bức xúc.
Để đẩy lùi ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung rà soát các chính sách pháp luật để kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung để tránh gây chồng chéo, tránh tạo lỗ hổng pháp lí trong công tác đấu tranh tránh buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả.
Ngoài ra, tăng cường công tác quản lí trên địa bàn kết hợp biện pháp công tác nghiệp vụ khác để nắm chắc tình hình, nhận diện rõ phương thức thủ đoạn buôn lậu gian lận thương mại, có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống...
Bàn về giải pháp, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cho rằng, cùng với sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là kênh kiểm soát chặt chẽ, sâu rộng nhất để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh thẳng thắn: Chúng ta đừng khuyên doanh nghiệp nên như thế này hay thế kia, bởi điều đó cũng không có kết quả, tự bản thân doanh nghiệp sẽ tự quyết định hành xử để cân nhắc giữa lợi - hại và hiệu quả trong việc bảo vệ thương hiệu của chính họ. Điều cốt lõi là ở sự tương tác, liên quan hữu cơ giữa việc doanh nghiệp phản ứng như thế nào với niềm tin của chính mình; sự việc sau khi doanh nghiệp tố giác hành vi vi phạm thì mọi việc sẽ được xử sự ra sao? Họ sẽ được gì? Ai bảo vệ họ...?