Doanh nghiệp Việt bắt buộc phải tham gia 'cuộc chơi' phòng vệ thương mại
(DNTO) - Năm 2020, ngành gỗ Việt liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá. Ngành này bị rơi vào điều tra vì được cho là có hành vi gian lận thương mại và lẩn tránh thuế. Ngành gỗ hiện đang ở đầu chiến tuyến trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các cường quốc đang tiếp tục diễn ra.
Gỗ Việt nằm đầu sóng ngọn gió căng thẳng thương mại
Là ngành đang ở đầu chiến tuyến trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các cường quốc đang tiếp tục diễn ra, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành gỗ liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, cụ thể là mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.
Gần đây nhất, Cơ quan Đại diện Thương mại của Mỹ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ. Nguy cơ Chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt gỗ của Việt Nam vào thị trường này là rất lớn.
Từ góc độ cơ quan Hải quan, bà Hoàng Thị Thủy,Trưởng phòng Xuất xứ và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thách thức đặt ra hiện tại là hình thức gian lận ngày càng tinh vi và quy mô ngày càng rộng; văn bản quy phạm pháp quy còn chưa điều chỉnh hết các trường hợp phát sinh trên thực tế; chế tài xử phạt còn chưa mang tính răn đe; nhận thức của một số doanh nghiệp Việt còn hạn chế dẫn tới tiếp tay cho thương mại bất hợp pháp.
Bà Thủy đề xuất, thời gian tới ngành gỗ cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với ngành Hải quan trong xác định các mặt hàng rủi ro và các công ty có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; xây dựng kênh kết nối thông tin giữa Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam với cơ quan quản lý nhà nước liên quan, nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ chuyển tải bất hợp pháp để từ đó các cơ quan hữu quan sớm có kế hoạch áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời.
Liên quan đến các vụ kiện phòng vệ thương mại, ông Phùng Gia Đức, Phó trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Đến nay Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 199 vụ. Trong 5 năm gần đây nhất có tới 97 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Các thị trường điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ (40 vụ), Ấn Độ (27 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (23 vụ), Australia (16 vụ), Canada (16 vụ), EU (14 vụ) và Philippines (12 vụ). Riêng trong năm 2020, Việt Nam đang bị điều tra tổng cộng 37 vụ việc.
Để tránh các vụ việc bị điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, ông Đức lưu ý các doanh nghiệp cần có kiến thức về phòng vệ thương mại. "Chúng ta cần chuẩn bị tốt, tránh để hàng đã xuất đi, sau 2-3 tháng lênh đênh trên biển, đến khi cập cảng nơi nhập khẩu mới té ngửa hàng bị đánh thuế gấp hàng trăm lần”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức khuyến nghị, các doanh nghiệp cần xem xét xây dựng cơ sở dữ liệu các sản phẩm gỗ sang các thị trường quan trọng. Thường xuyên tập huấn, cập nhật thông tin, pháp luật về phòng vệ thương mại.
Song song với đó, nghiên cứu các quy định về hạn chế nhập khẩu của các thị trường quan trọng, bao gồm cả phòng vệ thương mại. Nỗ lực minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ của các nguồn nguyên liệu, đặc biệt là để xuất khẩu…
Cần xây dựng đội ngũ phòng vệ thương mại
Nhấn mạnh về lời khuyên đối với các doanh nghiệp, bà Phan Mai Quỳnh, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu phải quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, bởi để giữ được thị trường, mở rộng thị trường thì ngoài sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu khách hàng, còn phải chứng minh được tính minh bạch hàng hóa.
“Từ kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp Việt từ bỏ tham gia phòng vệ thương mại. Như vụ kiện cá ba sa cách đây đã 17 năm là ví dụ. Nếu doanh nghiệp nào đã tham gia vụ kiện đó từ đầu thì họ sẽ nhận được những bài học tích cực. Ngành gỗ chưa từng tham gia phòng vệ thương mại. Nhưng năm 2021 sẽ là năm kinh tế toàn cầu khủng hoảng, có nghĩa các nước sẽ tăng cường bảo hộ. Nếu doanh nghiệp từ bỏ thị trường này để chạy sang thị trường khác, doanh nghiệp sẽ không có cơ hội”, bà Quỳnh cho hay.
Theo đó bà Quỳnh cho rằng, nếu đã có hoạt động xuất khẩu thì doanh nghiệp cần sớm xây dựng đội ngũ về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong nội bộ doanh nghiệp, không nên đến lúc bị điều tra mới lo ứng phó. Vì có đến 95% các vụ kiện của Mỹ sẽ thành hiện thực và áp mức thuế cao, vì vậy hãy tránh không để bị kiện.
Tựu trung lại, doanh nghiệp phải có kiến thức và phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống sản phẩm của Việt Nam bị điều tra, và khi có thông tin bị điều tra cần thông báo ngay với các Hiệp hội và Bộ Công Thương.
Cục Phòng vệ Thương mại luôn có cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần cập nhật thông tin từ Cục và trang bị cũng như chuẩn bị kỹ kiến thức. Nếu chuẩn bị kỹ sẽ vượt qua được các hàng rào điều tra chống bán phá giá.
Doanh nghiệp và các hiệp hội cần lưu ý cập nhập thông tin, có bộ kiểm soát về giá trị, lượng xuất khẩu sang thị trường đó, sử dụng thông tin để hưởng mức thuế thấp nhất…