Chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường mạng, được không?
(DNTO) - Việc sử dụng mạng xã hội để buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc đã và đang trở nên nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.
Hàng giả, hàng nhái “ngập” chợ online
Với sự tiện lợi và nhanh chóng cho nên hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hình thức livestream trên mạng xã hội đã trở thành một kênh kinh doanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm. Song hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Liên tiếp những ngày vừa qua, hàng loạt kho hàng chứa hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc quy mô lớn của các thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, LV, Zara, Hermes đã được Tổng cục Quản lý thị trường triệt phá ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc.
Mới đây, ngày 15/3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT Ninh Bình phối hợp Phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Phòng Thanh tra pháp chế Cục QLTT Ninh Bình và Công an huyện Yên Mô, Ninh Bình, kiểm tra cửa hàng Bình Dung, do ông Lê Thanh Bình làm chủ (chủ tài khoản Facebook: https://www.facebook.com/TranDung.ThoiTrang), địa chỉ tại Phú Mỹ, xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình.
Qua kiểm tra, phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 562 sản phẩm quần áo Gucci, Zara, Nike có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam và 1.650 chiếc khẩu trang vải không có căn cứ để xác định nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa...
Ngày 17/3, Tổ công tác 368 của Tổng cục QLTT phối hợp với Cục QLTT Nam Định và PC 03, Công an tỉnh Nam Định đột kích vào kho tàng trữ hàng hóa giả nhãn hiệu Hermes, LV, Chanel… tại địa chỉ thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Qua kiểm tra, kho hàng rộng hơn 500 m2 tàng trữ hàng chục nghìn các sản phẩm chủ yếu là túi giả mạo nhãn hiệu Hermes (một hãng thời trang xa xỉ có trụ sở ở Paris, Pháp). Khi lực lượng chức năng kiểm tra, người đại diện kho hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa.
Theo ước tính, có tới 20.000 – 30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ tại đây. Chủ yếu là túi xách giả mạo các nhãn hiệu như Hermes, LV, Chanel. Lực lượng chức năng phải dùng tới 10 xe ô tô tải 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng hóa vi phạm tại kho hàng này. Lô hàng vi phạm ước trị giá khoảng 6 tỷ đồng.
Không khó để đưa ra nhận định hàng hóa được thu giữ là giả mạo, bởi các thương hiệu nổi tiếng luôn bày bán sản phẩm ở các trung tâm thương mại danh tiếng, và sản phẩm có giá từ vài trăm đến cả chục ngàn USD.
Điểm chung là của các vụ bắt giữ này là tất cả các chủ lô hàng này đều là những người kinh doanh online, vì vậy khi bị bắt giữ, không ai trong số họ có thể xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Những giải pháp ngăn chặn
Tuy nhiên, để triển khai kế hoạch chống buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử lực lượng QLTT cũng gặp không ít khó khăn bởi đối tượng chủ yếu chào bán trên mạng xã hội và sử dụng dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa. Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác nhau được các đối tượng thay nhau sử dụng để né tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Đặc biệt, một thủ đoạn tinh vi phải kể đến trong vụ việc này, đó là đối tượng sử dụng một cửa hàng trung gian tại Hà Nội để làm nơi giới thiệu sản phẩm. Nhưng thực chất, cửa hàng này không chứa bất cứ sản phẩm nào. Điều này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, cho biết, thương mại điện tử càng phát triển, các hành vi gian lận thương mại trên mạng càng ngày càng phổ biến.
Trên các trang mạng, một số đối tượng buôn bán hàng giả thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng, nhằm lôi kéo người tiêu dùng.
Để qua mắt người tiêu dùng, các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật, hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch, nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.
Đưa ra những biện pháp để hạn chế tình trạng này, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), đã xây dựng kế hoạch 399 tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, và thành lập Tổ triển khai kế hoạch này (Tổ công tác 399).
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổ này là rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực thương mại điện tử.
Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử; Rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng thương mại điện tử, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng thực trạng; kịp thời phát hiện, tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử...