Cẩn trọng với hàng gian, hàng giả trong dịp Tết
(DNTO) - Cứ vào dịp cuối năm là thời điểm để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường, đặc biệt là thị trường bán lẻ online. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nếu không ngăn chặn kịp thời, nhiều vấn đề khiếu kiện, khúc mắc sẽ tiếp tục xảy ra, và diễn biến sẽ phức tạp hơn.
Nạn hàng giả, hàng lậu chưa có chiều hướng giảm
Đánh giá về sức mua xã hội hiện nay, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn xâm nhập của dịch Covid-19, chính vì vậy người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu trong năm qua ngày càng tính toán hơn, tiết kiệm hơn và có tích lũy.
Đây cũng là những khó khăn cho hệ thống bán lẻ nội địa, nhưng đồng thời cũng là sức ép cho các nhà sản xuất bán lẻ Việt Nam nhìn lại mình, từ mặt hàng sản xuất, cách kết nối với hệ thống phân phối, các phương thức thanh toán, các dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng sao cho tiếp cận nhanh hơn, cạnh tranh hơn, thương hiệu được xây dựng ngày càng tốt hơn, và đó là những tín hiệu vui cho sự chuyển biến lúc đầu của nhà sản xuất và hệ thống bán lẻ Việt Nam.
Chính vì vậy, doanh số bán lẻ năm 2021 khả năng sẽ tăng trưởng cao hơn năm 2020. Tuy nhiên theo ông Phú, chúng ta cũng cần phải nhắc đến những mặt trái của thị trường trong năm qua đã làm suy giảm niềm tin và một phần sức mua xã hội, đó là nạn hàng gian, hàng giả, hàng lậu… vẫn tiếp tục hoành hành trên thị trường, chưa có chiều hướng suy giảm, nhất là khi Tết nguyên đán sắp đến gần.
Thị trường bán lẻ online phát triển với tốc độ nhanh trong 1-2 năm gần đây, nhưng tỉ lệ về khiếu nại, những khiếm khuyết của kênh bán lẻ này có chiều hướng xấu đi cần phải khắc phục.
“Hiện tượng nhận hàng bằng cục gạch khi shipper giao hàng đến không phải là cá biệt. Một số công ty bán hàng qua mạng như Lazada, Shoppee lại có những phương thức tiếp tay cho việc giao dịch không minh bạch này trên thị trường. Người mua hàng không được bóc hàng trước khi thanh toán, đây là sự vi phạm Luật bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên các cơ quan chức năng như Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương, các Hiệp hội liên quan đến bán lẻ bao gồm Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh, Hội Bảo vệ người tiêu dùng… chưa thấy lên tiếng về hiện tượng này”, ông Phú thẳng thắn bày tỏ.
Cũng theo ông Phú, thời lượng mua sắm ồn ã với khối lượng lớn gần Tết sắp đến, nếu không ngăn chặn kịp thời thì nhiều vấn đề khiếu kiện, khúc mắc sẽ còn tiếp tục xảy ra, diễn biến phức tạp hơn, làm xấu đi một phần ưu việt của kênh bán lẻ online mà chúng ta đang khuyến khích ở thị trường Việt Nam khi có dịch và những thời gian tiếp theo.
Năm 2021, giá cả trong nước có thể vẫn giữ ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào
Dự báo về giá cả Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, ông Phú cho rằng, mặc dù các công ty thương mại sản xuất, xuất nhập khẩu chuẩn bị khá đầy đủ các mặt hàng cho Tết, song sức mua chắc chắn sẽ không bằng những Tết trước khi có dịch.
Ông Phú lưu ý, cần tăng cường công tác quản lý thanh kiểm tra trên thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại từ biên giới và ở trong nội địa để người tiêu dùng không mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp Tết.
“Câu chuyện cuối tháng 12 vừa qua cho thấy lỗ hổng chết người của công tác quản lý từ gốc, đó là hàng trăm tấn hàng qua cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh mà không có giấy tờ thông quan, những kho hàng 500 tấn của đầu nậu không hề có giấy tờ chứng minh nguồn gốc… Như vậy thì dù chúng ta có hàng chục nghìn cán bộ quản lý thị trường mẫn cán cũng không thể kiểm soát nổi khi những hàng hóa lậu này tung ra hàng triệu cửa hàng bán lẻ trên toàn Việt Nam”, ông Phú cho biết.
Theo ông Phú, những người chịu trách nhiệm về vấn đề này đang bị xem xét xử lý, điều quan trọng là liệu quỹ hàng hóa này lọt vào thị trường nội địa đã thực hiện những hành vi mua bán làm hại người tiêu dùng trong dịp Tết sắp tới. Đó là bài học của công tác phòng bệnh của các cơ quan quản lý nhà nước về hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho tiêu dùng nội địa trong dịp Tết cũng như lúc bình thường.
Dự báo giá cả trong cả năm 2021, theo ông Phú, trong điều kiện dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, không lường trước được, trong khi đó ở nước ta thì nguy cơ xâm nhập dịch Covid-19 vẫn hiện hữu. Vì vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở một con số hợp lý khoảng 4% trong năm 2021 vẫn còn nhiều khó khăn.
Trên thế giới, thị trường năng lượng vẫn chưa có thể phục hồi để giá dầu có thể tăng cao một cách đột biến, giá hàng hóa do sức mua còn yếu nên những biến động về giá xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của chúng ta không có những biến động lớn.
Chính vì vậy, giá cả trong nước có thể vẫn giữ được ổn định, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, hệ thống phân phối tiếp tục được cải thiện ở thị trường nội địa. Điều lo lắng là ở trong nước, dịch bệnh gia súc vẫn đang rình rập với 30 tỉnh thành đang xuất hiện dịch trở lại. Tình hình hiện tại thời tiết diễn biến phức tạp, khắc nghiệt, hạ tầng giao thông chi phí logistics còn cao, sự kết nối còn rời rạc trong chuỗi sản xuất phân phối nội địa, có lúc chính trong nội bộ chúng ta tự làm khó nhau…
“Điều đó cho chúng ta có một dự báo về chỉ số giá năm 2021 thực hiện chỉ tiêu dự kiến nêu trên không phải là không gặp những khó khăn. Tuy nhiên với những tín hiệu lạc quan ban đầu về GDP thực hiện trong năm 2020 là 2,8%, thì khả năng đảm bảo chỉ số lạm phát như mong muốn và GDP khoảng 6% năm 2021 là có thể khả thi’, ông Phú nhận định.