Cần xây dựng hành lang pháp lý cho drone để nâng tầm 'số hoá' ngành nông nghiệp
(DNTO) - "Hiện nay, việc sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến. Do đó, cần xây dựng hành lang pháp lý để drone nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định.
Drone - hiện thực hóa những ước vọng của bà con nông dân
Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đang là xu hướng tất yếu để giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, việc phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị bay không người lái (drone) bước đầu cho thấy hiệu quả khi giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tài nguyên nước; quan trọng nhất là giúp bảo vệ sức khỏe nông dân tốt hơn do không cần trực tiếp phun thuốc. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, mới đây, tập đoàn này đã tổ chức trình diễn phun thuốc BVTV trên lúa bằng drone tại xã Hưng Thịnh (huyện Tân Hưng, Long An); bước đầu cho thấy hiệu quả tăng năng suất lao động từ 15-30 lần, giảm giá thành, rút ngắn thời gian phun thuốc trên 1 đơn vị diện tích, giảm 30% lượng thuốc BVTV so với phun xịt thông thường.
Đồng thời, với việc kiểm soát công nghệ phun trên drone, ứng dụng chẩn đoán dịch hại đồng bộ dữ liệu với máy bay phun tự động vào khu vực có dịch hại, giảm tổn thất sản lượng lúa 150-200 kg/héc-ta so với phun xịt thuốc thông thường do lúa không bị giẫm đạp.
“Thông qua dự án triển khai thiết bị bay nông nghiệp, chúng tôi mong muốn bảo vệ sức khỏe nông dân và gìn giữ nguồn tài nguyên nước một cách tốt hơn. Những lợi ích đến từ dự án này góp phần gia tăng lợi nhuận sản xuất cho bà con nông dân. Đó cũng chính là nỗ lực của tập đoàn trong việc hiện thực hóa tầm nhìn tiên phong trong việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới hiệu quả cao hơn” - ông Huỳnh Văn Thòn nhận định.
Từ thực tế cho thấy, việc triển khai drone phục vụ sản xuất nông nghiệp là một bước chuyển đổi quan trọng trong việc đẩy mạnh số hóa ngành nông nghiệp. Bước đi này nhằm góp phần thúc đẩy hiện thực hóa những ước vọng của nông dân, nâng cao vị thế và chất lượng cuộc sống của bà con, góp phần xây dựng những vùng nông thôn đáng sống.
Cần quản lý drone bằng hành lang pháp lý
Việc phun thuốc BVTV bằng drone thực tế đã cho thấy nhiều hiệu quả, lợi ích mang lại trên đồng ruộng, đặc biệt phù hợp với những khu sản xuất nông nghiệp xa khu dân cư, hoặc trên các đối tượng cây trồng khó phun trừ bằng phương pháp truyền thống như cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, các loại cây ăn quả thân cao trồng tập trung, quy mô lớn…
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, việc sử dụng drone trong phun thuốc BVTV cần phải có những căn cứ, hướng dẫn, quy trình kỹ thuật trên cơ sở khoa học, không vì những cái lợi trước mắt mà khuyến khích mở rộng ồ ạt.
"Cần phải nghiên cứu, xác định cho thiết bị bay ở độ cao bao nhiêu để phun; ở điều kiện thời tiết, nhiệt độ, gió, đặc điểm địa hình nào, và thuốc bảo vệ thực vật sẽ phát tán ra bao xa để tránh được những rủi ro ảnh hưởng. Nếu sử dụng trong các khu vực sản xuất nông nghiệp gần khu dân cư, xen kẽ khu dân cư, hoặc khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thì cần phải cấm, không được phép sử dụng drone để phun thuốc BVTV" - GS.TS Sơn cảnh báo.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng hiện nay, các loại drone rất đa dạng, với nhiều hãng sản xuất, cấu hình khác nhau. Chẳng hạn, sử dụng drone để phun diệt rầy trên lúa ẩn sâu dưới gốc lúa thì sẽ khác với phun đối với các loại sâu trên lá. Phun cho cây ăn quả thì khác hoàn toàn với phun cho lúa, hay như một số bệnh, bào tử ẩn nấp rất kín, rất khó phun trừ thì quy trình sử dụng sẽ khác hoàn toàn so với phun cho sâu trên lá.
Vì vậy, cần phải có những khảo nghiệm, đánh giá có cơ sở khoa học về phương pháp sử dụng, quy trình phun trừ đối với từng dạng thuốc, loại thuốc, trên từng đối tượng sinh vật gây hại, từng đối tượng cây trồng, từng điều kiện thời tiết, địa hình… để có hướng dẫn cụ thể.
"Điều này cần những nghiên cứu, khảo nghiệm rất khoa học, đưa ra những quy trình, hướng dẫn sử dụng, các cảnh báo, với những con số cụ thể, chứ không thể chung chung, phun cho hết lượng thuốc, hết lượng nước là được" - ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng ý với quan điểm của Cục Bảo vệ thực vật và các nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý để quản lý drone trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nếu thiết bị này không được quản lý, để nông dân tự do sử dụng sẽ gây ra những tác hại đối với sức khỏe và môi trường.
Theo đó, thứ trưởng giao Cục Bảo vệ thực vật sớm triển khai các khảo nghiệm chính quy, tập trung nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện quy trình kỹ thuật sử dụng drone trong phun thuốc BVTV, trong đó xác định những cây trồng cần ưu tiên sử dụng.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu đánh giá sử dụng drone đối với từng loại thiết bị, từng cấu hình máy khi sử dụng cho từng loại thuốc, từng đối tượng cây trồng, trên từng đối tượng sinh vật gây hại nhằm có quy trình phòng trừ thống nhất một cách hiệu quả, an toàn, có cơ sở khoa học và phù hợp với các quy định pháp luật để thống nhất hướng dẫn cho các địa phương.
Trên cơ sở đó, tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành các văn bản để quản lý loại trang thiết bị nông nghiệp đặc thù này, từ đó có hướng dẫn và khuyến cáo các địa phương.