Tín dụng đen vẫn 'nở rộ' vì lợi nhuận bất chính quá lớn, lên tới 300%/năm
(DNTO) - Gần đây, tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, huy động góp tiền chơi “họ”, “hụi”, “phường”… có chiều hướng phức tạp. Nhiều người lỡ rơi vào bẫy tín dụng đen phải tán gia bại sản vì khoản lãi khổng lồ được cộng dồn mỗi ngày. Một số đối tượng cho vay với lãi suất 100%/năm, thậm chí có nơi lên tới 300%/năm.
Các hình thức cho vay ngày càng tinh vi và phức tạp hơn dẫn đến rất khó kiểm soát
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua, khó khăn về kinh tế khiến nhiều người phải đối mặt với tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi, nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập, khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao.
Ngoài ra, trước thực trạng gửi lãi suất ngân hàng thấp như hiện nay, nhiều người có tiền nhàn rỗi đã sử dụng vào việc cho vay nặng lãi do việc đầu tư kinh doanh gặp khó khăn... Hoạt động tín dụng đen theo đó có cơ hội nở rộ và diễn biến phức tạp.
Thông tin tại Hội thảo: "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn", sáng 2/12, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục Trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho hay, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội đã tiếp nhận, phát hiện 1047 các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen với 1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Gồm các tội danh: Giết người; Cố ý gây thương tích; Làm nhục người khác; Bắt, giữ, giam người trái pháp luật; Xâm phạm chỗ ở người khác; Cướp tài sản…
Nhiều người lỡ rơi vào bẫy tín dụng đen đã phải tán gia bại sản vì khoản lãi khổng lồ được cộng dồn mỗi ngày. Có trường hợp một số đối tượng cho vay với lãi suất 100%/năm, thậm chí có nơi còn lên tới 300%/năm.
"Thời gian gần đây, hoạt động tín dụng đen xuất hiện trên tất cả các địa bàn từ quận đến huyện, từ thành thị đến nông thôn, đa dạng về người đi vay, người cho vay và người tham gia. Số loại tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, kinh doanh, tư vấn tài chính, cho vay tiền, huy động góp tiền chơi “họ”, “hụi”, “phường”… có chiều hướng phức tạp, gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất, mức độ hoạt động của các đối tượng sau khi hết các đợt giãn cách xã hội", ông Hà cho hay.
Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là tiểu thương, thanh thiếu niên ăn chơi, công nhân, người thu nhập thấp cần vay khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Cũng theo ông Hà, hình thức cho vay tín dụng đen ngày càng bùng nổ thêm những "chiêu" lách luật mới tinh vi, phức tạp khiến "con mồi" rất dễ sập bẫy.
Cụ thể, để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… Dùng thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật, thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện nay, các đối tượng cho vay nặng lãi đã chuyển sang sử dụng công nghệ cao, vay tiền qua website, vay tiền qua ứng dụng đã làm cản trở công tác đấu tranh với tín dụng đen.
"Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng gia tăng phức tạp. Trong khi đó, các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, nhất là trong việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn các số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các ứng dụng điện thoại (app), website có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi", ông Tú nêu thực trạng.
Giải pháp căn cơ nào để tín dụng đen không còn "đất sống"?
Để góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế tín dụng đen, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước, cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ hoàn thiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, nền kinh tế trong nước phục hồi; phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp.
Còn ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh án Toà án hình sự, Toà án Nhân dân TP. Hà Nội, cho hay để tín dụng đen không còn đất sống, cần đẩy mạnh mạng lưới tín dụng do nhà nước thành lập thông qua sự điều tra giám sát của hệ thống Ngân hàng nhà nước, thống nhất một hệ thống công ty tài chính được hoạt động theo các quy định của pháp luật, nghiên cứu các hình thức cho vay thích hợp với từng đối tượng linh hoạt, ứng dụng các phần mềm cho vay tiên tiến để kiểm soát thị trường cho vay.
Cũng theo ông Tiến, các cơ quan pháp luật tăng cường phối hợp, hành động, có văn bản pháp luật hướng dẫn để áp dụng trong quá trình điều tra truy tố xét xử. Đề nghị liên nghành tư pháp Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn về điều 201 theo hướng tiền thu lợi bất chính phải tính như sau:
Số tiền lãi cao hơn 8,33%/ tháng cộng tiền thu phí dịch vụ và số tiền thu lợi bất chính nếu đủ từ 30 triệu đồng là có thể xử lí hình sự. "Cần nghiên cứu sửa đổi theo quy định điều 201 của Bộ luật hình sự 2015 theo hướng bỏ hình phạt tiền, tăng hình phạt tù theo quy định khoản 1 là từ 1-5 năm, và khoản 2 từ 5 năm-15 năm mới đủ sức răn đe loại tội phạm này", ông Tiến nói.
Đồng thời, có sự phối hợp thường xuyên giữa cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra, ngân hàng, cơ quan quản lí thông tin truyền thông, cơ quan quản lí doanh nghiệp để xử lí kịp thời, phạt nặng các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các hình thức tín dụng đen qua app. Yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ cho các app vay tiền núp bóng qua hình thức tín dụng đen này...