Khó về vốn, doanh nghiệp chật vật phục hồi
(DNTO) - Nhu cầu về vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm hồi phục doanh nghiệp sau đại dịch ngày càng lớn, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng, khi có nhiều điều kiện ràng buộc gây khó.
Nhiều doanh nghiệp chỉ dám hoạt động cầm chừng
Sau gần hai tháng từ khi TP.HCM mở cửa trở lại sau những đợt giãn cách kéo dài do dịch bệnh, các doanh nghiệp đang dần từng bước hoạt động trở lại. Chỉ số PMI, đo lường sức khỏe lĩnh vực sản xuất, trong tháng 10 lần đầu vượt ngưỡng 50 điểm sau bốn tháng giảm liên tiếp.
Nhiều doanh nghiệp phục hồi tốt, thậm chí 100% như các doanh nghiệp cơ khí, nhưng nhiều doanh nghiệp như du lịch, F&B… lại gặp nhiều khó khăn. "Về mặt tổng thể, tốc độ phục hồi khoảng 60-70% từ tháng 10 đến nay", ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Bản Việt, đánh giá trong buổi hội thảo về vấn đề hồi phục của doanh nghiệp sau dịch bệnh, diễn ra vào 25/11.
Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay với các doanh nghiệp là nguồn vốn, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), trong bối cảnh mọi chi phí doanh nghiệp đều đội lên cao: chi phí y tế, nguyên vật liệu, vận chuyển… khiến giá vốn bị đội lên quá lớn, nhiều thị trường như du lịch, khách sạn chưa mở cửa trở lại.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA): "Nhiều doanh nghiệp ngần ngại không dám sản xuất vì chưa biết dịch sẽ đi về đâu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó khi vốn cạn kiệt, vốn tích lũy đã sử dụng hết, nếu làm không lãi thì nguy hiểm".
Và theo ông Hưng, cái khó nhất của doanh nghiệp hiện nay vẫn là vấn đề tài chính. Vốn ngân hàng nhiều ưu đãi nhưng thủ tục rườm rà, phải chứng minh nhiều vấn đề. Nhiều doanh nghiệp tự thân vận động tự tìm giải pháp.
Không cần "tài sản đảm bảo" vẫn có thể cấp vốn
Với các SMEs, vấn đề tài sản thế chấp để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng là bài toán không hề dễ. Đặc biệt, sau khi trải qua thời gian dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh nguồn tiền cạn kiệt, hoạt động cầm chừng thì câu chuyện về "tài sản đảm bảo" của họ trở nên xa vời.
“Nếu thời điểm này nói doanh nghiệp cần có tài sản đảm bảo, phải có phương án dòng tiền, vốn tự có thì quả là khó khăn”, ông Nguyễn Thành Nhân cho biết.
Nhiều doanh nghiệp lớn đang cầm cự được, thậm chí có câu chuyện, không ít doanh nghiệp lớn gom tiền gửi ngân hàng, hạn chế kinh doanh, chờ đợi thời cơ, nhưng với doanh nghiệp nhỏ, chi phí tăng quá cao thì lại càng khó.
Theo ông Nhân, vấn đề hiện nay là ngân hàng cần phân nhóm ra các doanh nghiệp có nhu cầu khác nhau ví như doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp xuất khẩu... để có cách hỗ trợ hợp lý và "Không nên đặt tài sản đảm bảo mới cấp vốn".
"Theo tôi, nên đưa ra diều kiện cần và đủ. Điều kiện "Cần" là các doanh nghiệp phải hiểu hết bản chất doanh nghiệp mình, đưa ra những khó khăn thực sự để chia sẻ với ngành ngân hàng. Còn lại ngân hàng tìm hiểu, tư vấn cho doanh nghiệp đi theo những cách thức nào để đảm bảo hoạt động thông suốt.
Điều kiện "Đủ" là người lãnh đạo doanh nghiệp rất quan trọng. Lãnh đạo doanh nghiệp cần thể hiện được vai trò bản thân, đưa ra định hướng xác lập lại thị trường kinh doanh. Giờ không thể nói cứ đưa nguyên vật liệu là bán được. Chủ doanh nghiệp cần xác định thị trường còn hay không, nếu không còn phải sao? Người chủ doanh nghiệp phải thể hiện được sự am hiểu và cần chia sẻ thực sự với ngân hàng", ông Nhân khẳng định và cho biết thêm, quy tắc chủ yếu là cả doanh nghiệp và ngân hàng phải cùng ở vị thế win-win.
"Doanh nghiệp cần phải rõ ràng, minh bạch, lỗ nói lỗ, dịch bệnh thì lỗ là bình thường. Tuy nhiên doanh nghiệp phải xây dựng hoạt động nghiêm chỉnh, không mơ tưởng mới có thể tạo ra dòng tiền trả nợ. Nếu sổ sách tùm lum thì ngân hàng có thương mấy cũng không cho vay được. Doanh nghiệp tự mình xem lại mình, tự tái cấu trúc lại mọi mặt đặc biệt là vấn đề tài chính", ông Hưng cho biết.