Cải cách thể chế sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi hậu Covid-19
(DNTO) - Rào cản về thủ tục không chỉ gây khó khăn mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và làm méo mó môi trường kinh doanh. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các chính sách hỗ trợ cần mạnh tay, thống nhất, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Theo các chuyên gia, thế giới bước vào năm 2022, bối cảnh địa chính trị vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nhiều thay đổi khó lường. Các thách thức vẫn tiếp diễn khi chuỗi cung ứng còn dấu hiệu gián đoạn sản xuất và đứt gãy. Trong bối cảnh mới hiện nay, các doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.
Nói về cải cách thể chế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão Covid-19, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), từng nhấn mạnh rằng: Chính phủ đang đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi doanh nghiệp với việc hỗ trợ bằng tài khoá, tín dụng… Nhưng do giới hạn về nguồn lực và áp lực cân bằng vĩ mô, giải pháp này cũng là hữu hạn. Những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… luôn là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển.
“Điều doanh nghiệp cần nhất hiện nay là Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các giải pháp về cải cách thể chế để tiếp sức kịp thời cho doanh nghiệp vượt khủng hoảng đại dịch Covid-19. Làm sao để các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Bây giờ là thời điểm thích hợp để chúng ta có thể đột phá cải cách thể chế. Thực tế, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp chia sẻ cần cơ chế hơn là tiền”, ông Lộc nói.
Liên quan đến câu chuyện cải cách thể chế, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực, Uỷ viên Kinh tế của Quốc hội, lưu ý năm điều quan trọng. Thứ nhất là thể chế cho môi trường kinh doanh, thể chế cho việc ra quyết định đòi hỏi phải nhanh, chính xác, toàn diện.
Sự cần thiết của chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính là lưu ý thứ hai mà ông Hiếu đưa ra. Theo ông Hiếu, thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba là tìm cách tháo gỡ những rào cản về thủ tục hành chính và pháp lý. Ông Hiếu chỉ ra, những chính sách không yêu cầu thủ tục hành chính như giãn, hoãn thời gian nộp thuế thì doanh nghiệp dễ tiếp cận. Trong khi đó, chỉ cần có một thủ tục hành chính, doanh nghiệp đều khó tiếp cận được chính sách.
Theo ông Hiếu, rào cản về thủ tục không chỉ gây khó khăn mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và làm méo mó môi trường kinh doanh.
Thứ tư, những năm đầu tiên của việc thực hiện cải cách phải là thể chế để có dư địa thực hiện tiếp. Theo ông Hiếu, chiến lược phát triển kinh tế có ba đột phá, trong đó có luật thể chế. Vì vậy không thể nói hoàn thành cải cách thể chế vào năm cuối cùng của thực hiện chiến lược.
Đáng chú ý, nếu hoạt động thể chế trong bối cảnh của Covid-19 còn bất định, sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành, địa phương sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rất nhiều quốc gia trước khi cải cách dài hạn đã thành lập cơ chế phân quyền để sự phối hợp giữa các cơ quan được thuận lợi, không chỉ trong quốc gia mà còn trên trường quốc tế. Chẳng hạn, một quốc gia không thể triển khai hiệu quả chương trình hộ chiếu vaccine, một tỉnh cấp giấy thông hành mà tình khác không thừa nhận cũng sẽ không thực thi được. Vì thế, cơ chế phối hợp ngày càng trở nên quan trọng.
Lưu ý cuối cùng, ông Hiếu nhấn mạnh, yêu cầu về cải cách thể chế của Việt Nam là đúng nhưng phải thay đổi tư duy, cách làm và đặc biệt nhấn mạnh thời gian mà các cá nhân, đơn vị phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.