Giai đoạn 2021-2025: Cần động lực mới cho cải cách
(DNTO) - Việc chỉ số môi trường kinh doanh chậm cải thiện cho thấy Việt Nam cần có động lực mới, gắn với cách làm mới cho những lĩnh vực cải cách. Vậy, làm thế nào để tạo động lực cho cải cách thể chế hướng tới thông lệ quốc tế tốt, trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025?
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt là về chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh... đã góp phần đáng kể vào việc củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong những năm qua.
Tuy nhiên, những cải cách này đang có dấu hiệu "chạm trần", thiếu cách làm mới để tạo đột phá. Việc các chỉ số môi trường kinh doanh chậm cải thiện trong những năm qua cho thấy Việt Nam cần tạo dựng động lực mới, gắn với cách làm mới đối với những lĩnh vực cải cách đã tạo được dấu ấn như môi trường kinh doanh, và cả những lĩnh vực còn tiến triển chậm như doanh nghiệp nhà nước, dịch vụ công…
Bàn về câu chuyện cải cách thể chế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Cải cách phải song song với phục hồi. Không cải cách thì không thể phục hồi được. Hiện chúng ta đang tập trung quá nhiều vào Covid-19, trong khi những thiệt hại về người và vật chất do biến đổi khí hậu cũng rất lớn”.
Bà nói thêm: “Hiện chúng ta không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng, mà đứt gãy trong phối hợp công việc; trong quan hệ làm việc giữa trung ương với địa phương, đứt gãy các quan hệ. Lâu nay tình trạng này đã xảy ra, nhưng khi Covid-19 xảy ra thì rõ ràng hơn. Đứt gãy này rất nghiêm trọng, nếu không khắc phục được thì không phục hồi được kinh tế. Dòng chảy bị gián đoạn thì sẽ ngược với nguyên lý hội nhập kinh tế. Nếu không sẽ không cạnh tranh được”, vị chuyên gia này cảnh báo.
Bà Lan cũng chỉ rõ, công tác thiết kế chính sách của chúng ta chưa ổn, chưa đủ minh bạch để các nơi hiểu để thực hiện chính sách: “Việc cán bộ địa phương không hiểu được chính sách, thực hiện theo cách hiểu của họ là lỗi của thiết kế chính sách”. Vì thế, bà đề xuất cần lưu ý hoàn thiện vấn đề này trong thời gian tới.
“Tôi cho rằng, nhân cơ hội lần này đẩy nhanh cải cách. Không lúc này thì lúc nào để triển khai? Các chính sách phải tính đến khả thi, không nên dừng ở bao nhiêu tiền, mà là cho những đối tượng nào. Có thể nói, chiến lược phục hồi lần này tạo cơ hội rất nhiều cho cải cách…”, bà Lan nhấn mạnh.
Về phần mình, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cải cách giai đoạn 2021-2025 cần đủ trọng tâm, dài hơi và thực chất. Đặc biệt, các giải pháp cải cách phải tạo ra được tác động dài hạn.
Để đạt được những điều này, ông Thành khuyến nghị, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đang làm; phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phải đột phá.
Ông lưu ý việc chuyển đổi số lần này khác với lần trước. Nó có thể tạo điều kiện cho Việt Nam đi cùng chứ không phải chạy theo hay bắt kịp. “Quan trọng là phải thay đổi tư duy. Chúng ta không nên chỉ bó mình trong tư duy cũ, phải bỏ qua tư duy cũ. Chúng ta không thể nói là mình chỉ có thế, nếu chỉ có thế thì không đột phá”, ông Thành nêu quan điểm.
Ông Thành cũng chỉ rõ, các đầu mục cho cải cách chúng ta đã có hết trong những năm gần đây, quan trọng là thực thi và thực hiện thế nào. Ông lưu ý, để có kinh tế số, chúng ta phải có cơ sở dữ liệu, phải xây dựng được luật về cơ sở dữ liệu.
Ngày 29/10 đã diễn ra Hội thảo tham vấn cấp cao “Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025”. Hội thảo bàn tới 5 nội dung quan trọng.
Một là duy trì cải cách trong quá trình phục hồi, và yêu cầu đặt ra là cải cách song song, thay vì cải cách sau khi đã phục hồi kinh tế.
Hai là huy động và sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Ba là không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững.
Bốn là những yêu cầu, đòi hỏi thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, tạo động lực cho cải cách thể chế, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Năm là nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, trong đó quan tâm nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân, hay tư duy về tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.