Quảng Ninh là 'cái nôi' của mô hình cải cách hành chính hiệu quả
(DNTO) - 'Khoảng cách giữa Quảng Ninh và các tỉnh khác ở phía sau khá dài. Quảng Ninh là 'cái nôi' của mô hình cải cách hành chính hiệu quả của cả nước, với những mô hình cải cách được lan toả hiệu quả trong thời gian qua", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) khẳng định.
Những yếu tố cốt lõi làm nên "thương hiệu" Quảng Ninh
Chia sẻ bên lề Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2020), ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI nhận định: Với việc 4 năm liên tiếp giữ vững "ngôi vương" PCI, Quảng Ninh đã vượt lên chính mình để vươn tới ngôi vị vô địch sau mỗi năm ở những thành quả cân đo, đong đếm được. Sự thành công ngoạn mục của tỉnh Quảng Ninh, chắc chắn sẽ là một “ngọn hải đăng” của tam giác kinh tế Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương và của đất nước. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước có tổng số điểm trên 75 điểm/100.
"Sự thay đổi và phát triển ngoạn mục của Quảng Ninh, vượt qua mọi kỳ vọng của nhiều người. Quảng Ninh đã chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ, nhanh chóng trong nhiều năm trở lại đây. Từ một tỉnh được ngân sách Trung ương hỗ trợ, Quảng Ninh đã vươn lên thành địa phương có ngân sách và số thu nội địa thuộc nhóm cao nhất cả nước", ông Lộc nhận định.
Cũng theo ông Lộc, thành công của Quảng Ninh, mỏ than của đất nước, bắt đầu từ sự chuyển đổi mô hình phát triển từ “đen” sang "xanh". Tỉ trọng khu vực mỏ than, nông nghiệp giảm dần, khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng nhanh và giữ vai trò chủ đạo, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Quảng Ninh trong những năm gần đây cũng có nhiều sáng tạo, đột phá, đi đầu với những mô hình mới trong việc cải cách hành chính. Có thể nói hành trình cải cách ở Quảng Ninh nó dựa trên những hành trình vững chắc, nó bắt đầu từ tầm nhìn, từ chiến lược, từ quy hoạch đến những mô hình cải cách, nó là thành quả tiếp nối nhiều thế hệ lãnh đạo ở Quảng Ninh để nó thành một quá trình liên tục, bền bỉ, sáng tạo và cũng là quá trình phức tạp.
"Khoảng cách giữa Quảng Ninh và các tỉnh khác ở phía sau là khá dài, Quảng Ninh là một trong những “cái nôi” của mô hình cải cách hành chính hiệu quả của cả nước, nơi đây đã tạo nên những mô hình cải cách được lan toả trong thời gian qua, đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế xã hội", ông Lộc chia sẻ.
Ông Lộc cũng chỉ rõ, Quảng Ninh có nhiều mô hình hợp tác công - tư hiệu quả, rất phù hợp với thông lệ và mô hình quản lý công quốc tế, đó là "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư"; “đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công”; “tài sản công do khu vực tư nhân quản lý và điều hành”; hoặc sử dụng mô hình “hợp tác công - tư” để huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có môi trường đầu tư lành mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ngoài ra ông Lộc cho biết, việc liên tiếp dẫn đầu PCI trong những năm gần đây cho thấy Quảng Ninh đã đi đúng hướng với sự nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mô hình tăng trưởng "xanh", nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Quảng Ninh luôn ưu tiên đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quyết liệt cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi không ngừng cải thiện. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, biên chế tinh giản, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đó cũng chính là những yếu tố cốt lõi làm nên "thương hiệu" Quảng Ninh, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân đối với môi trường đầu tư kinh doanh, sự phục vụ của chính quyền được nâng lên.
"Khả năng lắng nghe với tầm nhìn xa của đội ngũ lãnh đạo đã mang lại bước phát triển cho Quảng Ninh, khơi dậy niềm tin và niềm tự hào của mọi người dân trong tỉnh, mang lại một mô hình phát triển kinh tế bền vững, đột phá mà nhiều địa phương hiện đang cố gắng vươn lên có thể tham khảo", ông Lộc nhấn mạnh.