Doanh nghiệp sẽ đánh mất cơ hội nếu không nhanh chóng chuyển đổi số
(DNTO) - Chuyển đổi số hiện đang là xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp trong nước còn chưa đạt đến cuộc cách mạng 3.0, vẫn loay hoay với công cuộc chuyển đổi, nên tự đánh mất nhiều cơ hội. Nếu không nhanh chóng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tiến lên, chúng ta sẽ bị tụt hậu.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ
Tại Diễn đàn “Kinh tế số và Thương mại điện tử”, diễn ra hôm nay 15/4, GS. TSKH Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng, chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cú huých tái bùng phát của đại dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.
“Ở các cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam đã đứng ngoài cơ hội để vươn lên. Nhưng cách mạng công nghiệp lần thứ tư này đang mở ra cơ hội cho các quốc gia không có truyền thống công nghiệp, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều có thể thực hiện được. Cơ hội cuối cùng này nhiều chục năm mới có một lần. Nếu ta không thể nhanh chóng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ để tiến lên thì sẽ tiếp tục bị tụt hậu", ông Hồ Tú Bảo nhấn mạnh.
“Doanh nghiệp có trọng trách lớn để chuyển đổi số, đạt mục tiêu có tính khát vọng. Tuy nhiên, câu chuyện chuyển đổi số vẫn còn khoảng cách lớn giữa thực tế triển khai với nhu cầu đặt ra. Bởi hiện đa số doanh nghiệp còn chưa đạt công cuộc cách mạng 3.0. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần rà soát năng lực và nhu cầu của mình, tìm kiếm giải pháp phù hợp, bám sát thực tế khi phát triển. Từ đó, doanh nghiệp sẽ triển khai từng bước và tiếp tục duy trì, cam kết vận hành”, ông Bảo nêu giải pháp.
TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, nhận thức của doanh nghiệp về công nghệ số thời gian qua rất tốt, hơn 50% doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số trước khi dịch Covid-19 diễn ra; hơn 25% doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có Covid-19 và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số.
Bên cạnh đó, kỳ vọng của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số cũng rất lớn, đặc biệt là những kỳ vọng liên quan đến giảm chi phí (hơn 71% doanh nghiệp), giảm giấy tờ (hơn 61%), quản trị kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm (trên 50% doanh nghiệp)...
Tuy nhiên, ông Huân cũng cho biết, các doanh nghiệp cho rằng, chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng... đang là những rào cản lớn nhất hiện nay.
Mặc dù là lĩnh vực công nghệ nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ, mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế kinh tế quốc gia, của doanh nghiệp. Để thành công, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.
Chuyển đổi số thành công, lãnh đạo phải đi tiên phong
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh, trong 3 năm gần đây, đa số doanh nghiệp đã tin là cần chuyển đổi số và phải làm để có thể thành công. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, khảo sát của Tổng cục thống kê với 152.000 doanh nghiệp cho thấy, hơn 30% doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư công nghệ và đặc biệt là công nghệ số, chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau.
Chuyển đổi số doanh nghiệp là tổng hòa của 5 trụ cột, bao gồm: Văn hóa và chiến lược kinh doanh số, gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng, tối ưu quy trình, công nghệ hóa, phân tích và quản lý dữ liệu.
Đặc biệt, ông Võ Trí Thành cũng lưu ý 3 bài học để chuyển đổi số doanh nghiệp thành công, bao gồm: Nghĩ lớn, làm cụ thể, quyết liệt từ việc nhỏ, có tính đổi mới, lan tỏa cao; gắn bó sâu sắc chuyển đổi số với chiến lược phát triển doanh nghiệp và đặc biệt lãnh đạo phải đi tiên phong.
Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới.