Chuyên gia Lê Xuân Bá: Để phục hồi kinh tế, hãy giải quyết tốt các gói hỗ trợ
(DNTO) - Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá nêu quan điểm: Trong bối cảnh tăng trưởng chậm, việc triển khai các gói hỗ trợ là cần thiết. Nhưng thực tế hầu hết doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được các gói này. Vì sao doanh nghiệp khó, dân đói, tiền thì có mà ta không giải quyết được?
Tại hội thảo tham vấn cấp cao “Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025”, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ước (CIEM), với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), diễn ra sáng 29/10, khi bàn về những vấn đề ưu tiên cải cách từ nay đến năm 2025, Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá nhấn mạnh: Kể từ đầu năm 2021, bối cảnh kinh tế thế giới liên tục có những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường do dịch Covid-19. Theo đó, việc cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt là về chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh là tất yếu để phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
“Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều đến gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tôi đồng tình với những giải pháp này của Chính phủ, tuy nhiên, chúng ta cần chú ý đến việc thực thi. Vì hiện gói hỗ trợ kinh tế thì có, nhưng đến nay việc thực hiện vẫn chưa đâu vào đâu. Cụ thể, gói hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động mới chỉ triển khai được 0,26%, coi như không giải quyết vấn đề gì. Tại sao lại như vậy? Trong khi doanh nghiệp khó, dân đói, tiền thì có mà không giải quyết được. Do bộ máy không đủ năng lực, do điều kiện phức tạp, hay do lý do gì? Chúng ta cần tìm hiểu xem vướng chỗ nào, ở khâu nào thì phải xử lý gỡ ngay ở khâu đó. Hãy giải quyết tốt mấy gói hỗ trợ đưa ra trước khi bàn đến việc khác”, ông Bá nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bá, sau khi giải quyết được gói hỗ trợ đã có, cần phải tính ngay đến gói hỗ trợ lớn hơn. Tuy nhiên, phải cẩn thận với nguy cơ lạm phát. Thứ nữa là câu chuyện vay nợ và khả năng trả nợ ra sao…
Liên quan đến vấn đề phục hồi tăng trưởng kinh tế ít nhất trong vòng 5 năm tới, TS. Cấn Văn Lực bổ sung 3 vấn đề cấp thiết. Thứ nhất, ông nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xác định thực thi trọng tâm cải cách. “Lâu nay chúng ta vẫn hô hào cải cách thể chế. Nhưng trọng tâm ở đâu, cải cách thế nào vẫn chưa cụ thể”, ông Lực nói.
Vị chuyên gia này phân tích, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực ghê gớm đến kinh tế thế giới và Việt Nam trong thời gian qua, trung hạn và vài năm tới. Dịch để lại nhiều hậu quả, gây ra những vết sẹo về lạm phát, giá cả, đứt gãy chuỗi cung ứng… Do vậy, vấn đề thứ hai cần quan tâm là phải nhìn nhận rõ một số cục diện về địa chính trị, hội nhập kinh tế thay đổi, xu hướng về mô hình tăng trưởng cũng thay đổi, theo đó cần có những quyết sách, cơ cấu, phân bổ, sử dụng nguồn lực một cách linh hoạt, hợp lý.
Vấn đề thứ ba: Dịch bộc lộ điểm yếu, mạnh của thể chế, điều hành kinh tế toàn cầu và mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là năng lực dưới địa phương. Đồng thời, dịch Covid-19 tạo ra nhiều cơ hội và thách thức.
“Có vẻ như hiện nay ta đang rơi vào điểm họa vô đơn chí, nhiều cái xấu ập đến một lúc, như dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng năng lượng, rủi ro bong bóng nợ… Dịch khiến trọng tâm thời gian qua chậm lại, đầu tư công, cổ phần hóa chậm, 9 tháng mới cổ phần 2%. Ngoài ra, có vẻ như chúng ta lỡ nhịp với thế giới. Sức ép hội nhập ngày càng cận kề hơn. Và đây là vấn đề thứ tư chúng ta cần quan tâm”, ông Lực nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh quá trình phục hồi và cải cách nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2025, TS Cấn Văn Lực đề xuất, cần đẩy mạnh chuyển đổi số; tập trung mạng lưới an sinh xã hội; tính lành mạnh và sức chống chịu của hệ thống tài chính; quản trị quốc gia và có năng lực dự phòng và dự báo.
Nhiều tổ chức quốc tế đã có những cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới gần đây ước tính GDP năm 2021 ở mức từ 2,0% đến 2,5% (thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố tháng 8-2021). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ở mức cao hơn là 3,78%.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM
Về phần mình, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nêu rõ, bối cảnh kinh tế trong năm 2021 không hề dễ dàng đối với Việt Nam. “Đây là năm thứ hai chúng ta phải đối phó với dịch bệnh Covid-19, nhưng diễn biến vẫn còn rất phức tạp. Những cụm từ như “lúng túng”, “chưa từng có tiền lệ”… không phải là hiếm thấy”, TS Hồng Minh nhận định.
“Dự báo, kỳ vọng về tăng trưởng vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên, phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ có ý nghĩa hơn nếu đi kèm với tính bền vững, ít nhất là trong vòng 5 năm tới”, bà Hồng Minh nhấn mạnh. Trong khi đó, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn.
Trong bối cảnh ấy, tư duy về đổi mới quốc gia theo hướng hiện đại lại càng cần thiết, để hỗ trợ cho cải cách, giúp chúng ta tránh được tình trạng “làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách lại chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng”. Theo Viện trưởng CIEM, xác định và kiên trì thực hiện những cải cách đủ trọng tâm, đủ dài hơi và đủ thực chất chính là nguyên tắc xuyên suốt trong mọi chính sách quản lý điều hành.