Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6 - 6,5%
(DNTO) - Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội được đề ra cho năm 2022, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) phấn đấu đạt khoảng 6 - 6,5%.
Ngày 20/10, tại Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch cho năm 2022, Chính phủ xác định 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng nhưng dự báo tình hình thách thức lớn hơn cơ hội, mục tiêu là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội được đề ra cho năm 2022, Thủ tướng cho biết mục tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt từ 25,5-25,8%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%...
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế, từ đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022.
Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu; nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Về chính sách tài khoá, Chính phủ điều hành linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế để chủ động phân tích, đánh giá, cập nhật tình hình thực hiện các chỉ tiêu và kịp thời đề xuất các biện pháp điều hành ngân sách Nhà nước phù hợp.
Ngoài ra, tập trung thực hiện các giải pháp khác như: Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội.
Cùng với đó là thực hiện thực chất, hiệu quả hơn việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, Chính phủ phát triển kinh tế số, xã hội số; thực hiện tốt việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường. Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt. Khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.