TS Võ Trí Thành: ‘Việt Nam có nguồn lực phục hồi kinh tế, nhưng phải nhanh, hiệu quả’
(DNTO) - Theo nhận định của TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, đại dịch là "cơ hội" để tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, vì vậy cần tận dụng một cách hiệu quả và triển khai nhanh chóng để bắt kịp xu hướng phục hồi toàn cầu.
Trao đổi trong Hội thảo "Kinh doanh trong thời kỳ mới – Hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động và phục hồi” sáng 28/10, TS Võ Trí Thành cho biết, nền kinh tế Việt Nam rất mở, phụ thuộc vào thương mại, FDI và khách du lịch quốc tế, đặc biệt là với các đối tác chính (ASEAN, Đông Bắc Á, Mỹ, EU), nhiều doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, vì vậy, đứng trước cuộc khủng hoảng Covid-19, nền kinh tế Việt Nam dễ bị tác động.
Tuy nhiên, đại dịch cũng là "cơ hội" để “tư duy lại, thiết kế và xây dựng lại” nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang ở thời điểm quyết định cho việc chuyển đổi mô hình phát triển để đẩy nhanh sự phục hồi và tăng trưởng.
Tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV diễn ra hôm 20/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Trung ương đã bàn và hiện nay Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch, dự kiến sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất để tránh lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới.
Theo đánh giá của chuyên gia Võ Trí Thành, đây là một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đủ lớn, với thời gian đủ dài (2022-2023), triển khai đủ quyết liệt, không chỉ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện tại mà còn tăng tốc cải cách cơ cấu, thể chế để bắt kịp đà phục hồi và xu hướng phát triển trên thế giới như lối sống, cách thức tiêu dùng xanh; chuyển đổi số, năng lượng sạch, cách mạng 4.0... Đồng thời chương trình tập trung vào quản trị rủi ro và sự bất định nhằm đảm bảo khả năng chống chịu của nền kinh tế trước bất kỳ khủng hoảng nào.
“Việt Nam có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn để phục hồi kinh tế nhưng vẫn đảm bảo trong trung hạn là ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam gần như còn nguyên 100 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Ngoài ra, nhiều tổ chức tín dụng quốc tế như ADB, World Bank… sẵn sàng cho vay hoặc Chính phủ có thể phát hành trái phiếu… dù khó nhưng hoàn toàn có nguồn lực. Tiền không phải vấn đề quan trọng nhất trong phục hồi kinh tế, mà là làm sao hoạt động cho hiệu quả và đủ nhanh, đủ hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Thành cho hay.
Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong và sau đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam là tiếp tục tăng tốc cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; tập trung vào lĩnh vực tư nhân, tái cấu trúc ngành nông nghiệp, du lịch và một số cụm công nghiệp. Đồng thời, cần có cơ chế để phát triển các lĩnh vực mới như mobile money, fintech, chiến lược AI…
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Thành, hiện đã có hơn 1/3 số doanh nghiệp Việt Nam trong 2 năm qua đầu tư vào chuyển đổi số để chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động. Đáng chú ý, hai năm trải qua đại dịch đã ghi nhận sự hợp tác mạnh mẽ nhất giữa các doanh nghiệp. 48% số doanh nghiệp có hợp tác với nhau: Chia sẻ đơn hàng, cho trả chậm (theo Tổng cục Thống kê).
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thay đổi trong tư duy xây dựng chiến lược, không vẽ ra kế hoạch dài hơi 5 năm, 10 năm mà hiện xây dựng kế hoạch dài nhất là 3 năm, cuốn chiếu theo từng quý, từng năm. Nhiều doanh nghiệp có nguồn lực đã thiết lập phòng tác chiến để nhanh chóng thay đổi kế hoạch hoạt động theo từng tuần, từng tháng, bám sát diễn biến của dịch bệnh.
Tuy nhiên, góp ý cho doanh nghiệp khi tái sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, TS Thành khuyến nghị các doanh nghiệp cần bắt nhịp với tư duy của quốc tế đối với sự phát triển kinh tế hiện nay.
“Tất cả hội nghị quốc tế hiện nay, khi gắn liền với quá trình phục hồi, các nước đều nói về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, gắn với chuyển đổi số… Vì vậy doanh nghiệp cần có định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp để không bị bỏ lại trong xu hướng chung của thế giới”, ông Thành nêu quan điểm.