Hãy thể hiện đạo lý của người Việt

(DNTO) - PGS.TS Bùi Hiền qua đời để lại nhiều tiếc thương và mất mát cho gia đình, người thân, bạn bè và nhiều thế hệ học trò của ông. Trên mạng xã hội, bên cạnh những comment hoặc những icon chia buồn, một số người dùng thả biểu tượng “haha” hoặc những bình luận bày tỏ niềm vui kiểu mỉa mai, hả hê trước sự ra đi của ông. Đây là hành động đi trái với đạo lý của người Việt, đáng phê phán.
PGS-TS Bùi Hiền mất lúc ngày 11/5 tại nhà riêng ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, hưởng thọ 90 tuổi. Ông là nhà giáo nhà nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Nga. Ông từng là Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). PGS-TS Bùi Hiền sinh thời đã đóng góp đáng kể trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.
Ông là tác giả của hàng chục cuốn sách giáo khoa, sách giáo viên, sách đọc thêm tiếng Nga cho trường phổ thông, 4 bộ từ điển các loại, trong đó có bộ "Từ điển giáo khoa Nga - Việt" dày 1.800 trang được gắn hai Huy chương quốc tế là "Business initiative directions" và "International gold star for quality". Ông đã được tặng thưởng Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng II; Huy chương Puskin vì thành tích truyền bá tiếng Nga; Huy chương "Cán bộ ưu tú ngành xuất bản Liên Xô".

PGS-TS Bùi Hiền
PGS.TS Bùi Hiền sinh năm 1935 ở xã Vinh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Năm 1955, ông tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Khoa tiếng Nga ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Năm 1967, ông phụ trách khoa Tiếng Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1973, sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) ngành tiếng Nga ở Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên M.V. Lomonosov với kết quả xuất sắc, ông trở về nước tiếp tục công tác tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1974 ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1978, ông được điều chuyển về Bộ GD-ĐT Việt Nam phụ trách ngoại ngữ trong cải cách giáo dục.
Chức vụ cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1993 của ông là Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Sau khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu cải tiến cách viết chữ Quốc ngữ. Nhưng khi ông đưa ra đề xuất của mình trong một hội thảo và được truyền thông rộng rãi vào năm 2017, nó lập tức vấp phải phản ứng gay gắt của công chúng, làm dậy sóng cõi mạng với những ý kiến tranh cãi nảy lửa theo chiều hướng tiêu cực. Thậm chí một số dư luận còn tỏ thái độ dè biểu, dèm pha, miệt thị… tấn công ông xung quanh những khác lạ trong lối viết cải tiến mà ông đưa ra.
Tuy nhiên, cuối năm 2017, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã chính thức ký và cấp bản quyền tác giả cho tác phẩm "Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền. Mặc dù vậy, đến tháng 3/2018, PGS.TS Bùi Hiền đã dừng toàn bộ việc nghiên cứu. Cuộc “đấu tranh không cân sức” sau đó một thời gian thì dần lắng xuống.
Nghĩa tử nghĩa tận là đạo lý của người Việt
Cũng như mọi cuộc tử biệt khác, PGS.TS Bùi Hiền qua đời đã để lại nhiều tiếc thương và mất mát cho gia đình, người thân, bạn bè và biết bao thế hệ học trò. Khi thông tin ông qua đời được đăng lên mạng xã hội, bên cạnh những comment hoặc những icon chia buồn, một số người dùng thả biểu tượng “haha” hoặc những bình luận bày tỏ niềm vui kiểu mỉa mai, hả hê trước sự sự ra đi của ông. Đây là hành động đi trái lại với đạo lý của người Việt, đáng phê phán.
Người Việt Nam có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”, câu thành ngữ mang một triết lý sâu sắc về cách chúng ta đối xử với người đã khuất. Người đã mất, nhất là những người cao tuổi, cần được người sống dành cho họ sự tôn trọng nhất định. Không đòi hỏi hay phán xét người đã qua đời. Bất kể họ từng là ai, có hành động gì khi còn sống, lúc khuất núi vẫn cần được hỉ xả. Đây là một nét văn hóa đẹp, thể hiện lòng nhân ái, sự bao dung và tình nghĩa của người Việt.

Trong lịch sử đấu tranh giữ nước, tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận” càng nổi rõ. qua việc chúng ta sẵn sàng chôn cất tử tế các tử sĩ phía bên kia chiến tuyến. Ở Sơn Trà (Đà Nẵng), nay vẫn còn nghĩa địa chôn cất lính Pháp và Tây Ban Nha bỏ mạng trong cuộc chiến xâm lược nước ta vào năm 1858.
Trong cuộc sống đời thường, tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận” thể hiện qua các phong tục lập hoặc xây bệ thờ lộ thiên, để thờ chung những mồ mả vô chủ, gọi là am chúng sinh... ở miền Bắc. Hay phong tục cúng cô hồn vào tháng bảy âm lịch hằng năm ở miền Nam. Ở Huế có Lễ tế âm hồn (23.5 âm lịch) hằng năm nhằm tưởng niệm tất cả những người đã thiệt mạng trong chiến tranh bất kể ta hay địch.