Không thể hội nhập thế giới nếu không biết mình đến từ đâu

(DNTO) - Với góc nhìn của nhiều diễn giả uy tín, diễn đàn giáo dục “Giáo dục vượt trội - Nâng niu bản sắc” diễn ra 10/5 đã đặt ra câu hỏi và những góc nhìn về giáo dục vượt trội và việc gìn giữ bản sắc văn hóa là con đường phát huy sức mạnh thế hệ trẻ Việt Nam hội nhập toàn cầu
Diễn đàn quy tụ những tên tuổi có ảnh hưởng như bà Tôn Nữ Thị Ninh – nhà ngoại giao uy tín với góc nhìn quốc tế sâu sắc - Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh Châu Âu và Bỉ; bà Trần Tuệ Tri – chuyên gia xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu - Đồng cố vấn và sáng lập Việt Nam Brand Puủpose; Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu - Chuyên gia tư vấn giáo dục/ Nhà đồng sáng lập và CEO của Tổ chức Giáo dục IEG Global; Nhà giáo dục/ Nghệ sĩ Quốc tế Thanh Bùi – Nhà sáng lập Hệ sinh thái Giáo dục Embassy Education; Thầy John McEnhill - Hiệu trưởng Quốc tế Trường Việt Nam Tinh Hoa, đồng hành cùng NLCS Quốc tế (Viet Nam Tinh Hoa Supported by NLCS International) & Trường Mầm non Thế giới Mặt trời - Little Em’s và Dzung (Phạm Việt Dũng) - Nhạc sĩ, Nhà sản xuất, Nghệ sĩ Guitar.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận định về các yếu tố giáo dục vượt trội hiện nay
Phát biểu tại diễn đàn, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định sự hiện diện của các trường quốc tế, các chương trình quốc tế tại Việt Nam là xu hướng trong thời kỳ hội nhập. Song, vấn đề nằm ở chỗ: làm sao để giữ được các giá trị Việt trong môi trường học tập toàn cầu.
Theo bà, thách thức này có phần xuất phát từ chính đội ngũ giáo viên nước ngoài. Bà cho rằng nhiều "giáo viên Tây" đến Việt Nam giảng dạy với tâm thế "mang thế giới vào lớp học", nhưng lại không quan tâm hoặc không thấy cần thiết phải hiểu về đất nước mình đang đứng lớp.
Bà nhớ lại hồi mới về lại Việt Nam học ở trường Marie Curie xưa, bà từng được các thầy cô Pháp yêu cầu chọn một tên tiếng Pháp để tiện xưng hô - dù tên của bà là "Ninh", rất dễ phát âm. Đã vậy, khi học ở Pháp, không ai bắt bà phải đổi tên.
Theo bà, sự thiếu tôn trọng văn hóa bản địa bắt đầu từ những điều tưởng như rất nhỏ. Và đến hôm nay, vẫn còn nhiều giáo viên nước ngoài ở Việt Nam giữ tâm lý như thế. Đáng nói, các giáo viên này được trả lương cao nhưng không cố gắng học cách... phát âm tên Việt, hay rộng hơn là hiểu hơn về bản sắc đất nước nơi họ đang giảng dạy.
Theo bà Ninh, các trường không nên chiều giáo viên nước ngoài, mà cần đóng vai trò như những nhà đàm phán văn hóa. Khi tuyển dụng, tiêu chí không chỉ là bằng cấp hay kinh nghiệm, mà cần đặt ra yêu cầu rõ ràng về khả năng thích nghi và sẵn sàng học hỏi văn hóa bản địa. Thái độ học tập của người thầy rất quan trọng.

Nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ vế sự trở về của anh trong câu chuyện học tiếng Việt
"Những người lập ra trường quốc tế không nên 'chiều' thầy cô nước ngoài", bà Ninh nói. "Ngoài giúp chúng ta biết những chuyện từ Silicon Valley, Hollywood thì bắt buộc họ khi tới Việt Nam dạy học và làm việc phải bỏ thì giờ tìm hiểu và học về văn hoá và đặc trưng của Việt Nam. Phải đặt ra được điều kiện thì tâm thế của chúng ta mới không bị lép vế. Theo tôi, đã đến lúc Việt Nam thôi nên làm đàn em đi”.
Chia sẻ về việc làm thế nào để giữ bản sắc Việt Nam trong hệ thống giáo dục tiên phong phát triển toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế Việt Nam Tinh Hoa do mình sáng lập, nhà giáo dục Thanh Bùi chia sẻ, để thế hệ trẻ không chỉ biết mà còn phải hiểu về bản sắc thì trường quốc tế phải dạy các em về bản sắc và truyền thống. Ở trường Việt Nam Tinh Hoa bắt buộc học sinh phải nói lưu loát tiếng anh và sõi tiếng việt.
"Các em được học về văn hoá truyền thống về lịch sử, từ cổ truyền dân gian ngày Tết cổ truyền tại sao phải gói bánh chưng, tết trung thu rước đèn lồng, các trò chơi dân gian tới lòng biết ơn và hiếu thảo. Thanh rất lo ngại, sự quốc tế hoá trong môi trường giáo dục hiện nay, việc chú trọng tiếng anh và hội nhập, một thế hệ trẻ Việt Nam tuy nói trơn tru hello nhưng lại không biết chào.
Tiếng Việt không thể trở thành ngoại ngữ với thế hệ trẻ. Mục tiêu cuối cùng, Thanh nghĩ, giáo dục toàn diện và xa hơn là phát triển vượt trội chính là tiếp thu tinh hoa học thuật quốc tế kết tinh với bản sắc truyền thống. Bản sắc và toàn diện mới đưa thế hệ trẻ Việt Nam đi ra thế giới, cạnh tranh, khác biệt. Người Việt Nam không thể hội nhập toàn cầu hiệu quả, vượt trội nếu không trả lời được mình là ai, mình đến từ đâu”.

Trước câu hỏi cụ thể về việc cân bằng và giáo dục bản sắc Việt cho hai con song sinh, Thanh Bùi không giấu diếm: “Thanh và hai con nói song song cả tiếng Việt và tiếng Anh. Các con nói với bà nội bằng tiếng Việt và nói với bà ngoại tiếng Hoa.
Việc sử dụng đa ngôn ngữ giúp con người linh hoạt và dễ diễn đạt phù hợp từng bối cảnh. Điều khác biệt và cái hay của tiếng Việt là nó giúp chạm sâu vào suy ngẫm và tâm hồn sau đó. Ví dụ đi, nếu Thanh và các con đang trao đổi với nhau một vấn đề xã hội bên ngoài, thì tiếng anh sẽ giúp dễ dàng làm rõ được vấn đề. Nhưng ở những trường hợp khi có bất đồng hoặc xung đột về hành xử, đòi hỏi để chạm vào tầng sâu nhất, khơi dậy yêu thương và hàn gắn lạithì lại phải bằng tiếng Việt.
Các diễn giả đã cùng trao đổi về khái niệm "giáo dục vượt trội" là nền móng phát triển học thuật toàn diện kết tinh với nâng niu bản sắc văn hoá, con đường định vị thương hiệu con người Việt Nam ra toàn cầu. Theo nghĩa đó, giáo dục vượt trội không còn dừng lại ở điểm số, thành tích, mà là hành trình đánh thức bản sắc trở thành sức mạnh tiềm tàng cá nhân bên cạnh sự phát triển toàn diện về Thân – Tâm – Trí.
Tiếp nối diễn đàn trực tuyến về giáo dục sáng tạo “Symphony of the Mind” được tổ chức đầy hoài bão trong bối cảnh covid-19 toàn cầu năm 2021, hệ thống giáo dục Embassy Education phối hợp với VietSuccsess tổ chức sự kiện đặc biệt đánh dấu năm bản lề 2025 với chủ đề “Giáo dục vượt trội- Nâng niu bản sắc” tiếp tục truyền tải thông điệp thực tế, có tính chiến lược như một kim chỉ nam thay đổi nhận thức xã hội và thúc đẩy một nền giáo dục tương lai không chỉ toàn diện, ưu tú mà còn phải vượt trội trong bối cảnh hội nhập toàn cầu,