Chờ đợi đàm phán thương mại: Chứng khoán lạc quan

(DNTO) - Phiên sáng có thời điểm tăng hơn 12 điểm và đà tăng được giữ đến phiên chiều, kết phiên với mức tăng gần 16 điểm cho thấy sự lạc quan của thị trường trước kết quả đàm phán thuế quan với Mỹ.
Phiên giao dịch ngày 12/5, tích cực ngay từ đầu phiên khi VN-Index chào tuần mới đã tăng mạnh hơn 6 điểm. Sau một giờ giao dịch, chỉ số đã tăng mạnh hơn 12 điểm trong tâm lý tích cực của nhà đầu tư. Phiên chiều ghi nhận sự bật mạnh vào cuối phiên khi chỉ với 15 phút cuối cùng, chỉ số đã tăng 15,9 điểm, chốt phiên tại 1.283 điểm.
Đây là mức điểm cao nhất kể từ ngày 9/4 khi Tổng thống Donald Trump ra thông báo hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Phiên cuối tuần trước, chỉ số VN-Index đã mất nhẹ hơn 2,5 điểm, tuy nhiên tổng cộng cả tuần giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, chỉ số đã lấy lại hơn 40 điểm. Tính cả phiên hôm nay, VN-Index đã tăng khoảng 15 điểm chỉ hơn một tuần, minh chứng cho một sự hồi phục đáng kể của thị trường, cùng đó là tâm lý giao dịch đã có phần lạc quan của nhà đầu tư.

Ảnh minh họa
Sau hai ngày đàm phán căng thẳng tại Thụy Sĩ, hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thương mại.
Reuters đưa tin, hai nước kết thúc cuộc đàm phán vào Chủ nhật với nhiều tín hiệu tích cực, trong đó Mỹ cho biết đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để cắt giảm thâm hụt thương mại. Các quan chức Trung Quốc thông tin, các bên đã đạt được "sự đồng thuận quan trọng" và đồng ý khởi động một diễn đàn đối thoại kinh tế mới khác. Dù thông tin cụ thể cuộc đàm phán chưa được tiết lộ, tuy nhiên phía Trung Quốc cho biết một tuyên bố chung sẽ được đưa ra vào thứ Hai và hứa hẹn là "tin tốt".
Trước đó, Anh là nước đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ ở các lĩnh vực như Mỹ giảm thuế quan với ô tô Anh từ mức 27,5% hiện tại xuống còn 10%; thép nhập khẩu từ Anh từ 25% xuống 0%, trong khi Anh giảm thuế quan với ethanol Mỹ từ 19% còn 0%...
Trong khi đó, Bloomberg đưa tin, Việt Nam nằm trong danh sách 20 đối tác làm trọng tâm cho các cuộc đàm phán ban đầu về thuế quan với Mỹ, nhóm này bao gồm các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đàm phán thương mại đang trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán trong nước, trở thành mạch thông tin hỗ trợ chính cho thị trường, bên cạnh các yếu tố như như các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ hay sự vận hành của hệ thống KRX.
'Chờ đợi và hành động'
Không riêng Việt Nam, các thị trường trên thế giới đều đang dõi theo mọi động thái của cuộc đàm phán thuế quan, yếu tố mang tính quyết định đến hoạt động nhiều doanh nghiệp niêm yết và nền kinh tế các quốc gia.
SSI Research cho biết, quý 1/2025, mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế các công ty mẹ vẫn tăng 23% so với cùng kỳ dù đã chậm so với mức 29% ở quý trước nhưng vẫn tiếp nối đà tăng trưởng 6 quý liên tiếp. "Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ở các quý tới vẫn là một ẩn số khi các doanh nghiệp niêm yết mặc dù vẫn tự tin khi đặt kế hoạch tăng trưởng 2025 nhưng đã thừa nhận các “bất ổn” xoay quanh thuế quan sẽ làm suy yếu tăng trưởng".
Chiến tranh thương mại toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro khó lường như quá trình đàm phán có thể kéo dài, hay mức thuế đối ứng có thể vẫn duy trì ở mức cao. Theo đó, thị trường cần các thông tin tích cực hơn từ quá trình đàm phán thuế quan để có thể kích hoạt dòng tiền và sự lạc quan của nhà đầu tư.
"Tình hình đàm phán thuế quan Việt – Mỹ chưa có thông tin chính thức, nên cũng không loại trừ sẽ tạo được kích thích tâm lý nếu kết quả đàm phán tích cực", MBS cũng nhận định.
"Để có thể tiếp tục đà phục hồi ổn định, thị trường cần đón nhận chuyển biến tích cực cụ thể hơn trong quá trình đàm phán thương mại", SSI cho biết.
Phiên giao dịch ngày 12/5 cho thấy nhiều nhóm ngành đồng loạt tăng điểm, thanh khoản cũng tăng so với tuần trước, ghi nhận 21 ngàn tỷ đồng trên HoSE, trong khi tuần trước trung bình mỗi phiên chỉ khoảng 17 ngàn tỷ đồng. Dòng tiền đang cho thấy dấu hiệu tăng nhanh và nóng. Các ngành ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan diễn biến tích cực vượt trội cho thấy dòng tiền đầu tư vẫn sẵn sàng tìm kiếm cơ hội.
VNDirect nhấn mạnh, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý và hạn chế sử dụng đòn bẩy. Nếu VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm sẽ là cơ hội để giải ngân mới và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Các cổ phiếu được VNDirect khuyến nghị trong tháng 5 bao gồm: TCB, MBB và CTD.
SSI cho biết các ngành như bất động sản khu công nghiệp, hóa chất, dầu khí, chứng khoán, ngân hàng, xây dựng & vật liệu xây dựng, thực phẩm đồ uống (bao gồm thủy sản), đặc biệt là các cổ phiếu trong rổ vốn hóa trung bình sẽ cho nhiều cơ hội khi quá trình đàm phán thuế có tín hiệu.
Trong trường hợp cuộc đàm phán không tích cực như kỳ vọng, đây sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư tích lũy với những cổ phiếu ít chịu tác động. Danh mục khuyến nghị thêm mới trong tháng 5 của SSI bao gồm PLC, SAS, ACV, PVT.
Trong khi đó, theo MBS, tín hiệu đáng chú ý lúc này là dòng vốn ngoại đang quay trở lại các thị trường châu Á trong đó có thị trường Việt Nam. Áp lực chốt lời ngắn hạn không đáng ngại khi thị trường đang đón nhận dòng vốn này đồng thời đàm phán thương mại có thể tạo thêm tín hiệu hỗ trợ. Các nhịp điều chỉnh là cơ hội để cơ cấu danh mục, tập trung ở các nhóm như Vingroup, dầu khí, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp… hoặc nhóm cổ phiếu đang được chiết khấu so với ngưỡng 1.240 điểm như: chứng khoán, ngân hàng, công nghệ.