Bất kỳ thời đại nào người thầy cũng được xã hội tôn vinh
(DNTO) - Lễ trao danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu diễn ra vào ngày 17/11 tại Hà Nội và Lễ trao giải Trần Đại Nghĩa lần 2 năm 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 19/11 tại TP.HCM, là các hoạt động có ý nghĩa chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay. Cho thấy, dù ở bất kỳ thời đại nào người thầy cũng được xã hội trân trọng tôn vinh.
Vai trò của giáo dục
Đối với sự phát triển của một dân tộc, giáo dục đóng vai trò then chốt cực kỳ quan trọng. Giáo dục chính là nền móng của việc hình thành tri thức và nhân cách con người.
Giáo dục cung cấp kiến thức giúp con người trở thành những người có tri thức, phát triển tư duy sáng tạo, giúp họ tìm ra các giải pháp cho các vấn đề trong cuộc sống. Giáo dục giúp con người phát triển các kỹ năng sống, khiến con người thích nghi với thế giới và môi trường xung quanh, đạt được mục tiêu cuộc sống bằng khả năng và sự tự tin của mình. Giáo dục còn thiết lập, gìn giữ và phát huy giá trị đạo đức và tư tưởng giúp con người sống tử tế và trở thành công dân tốt trong xã hội.
Bác Hồ nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bác cũng nói: “Thiện ác phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Để cân bằng giữa tri thức và đạo đức Bác dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống đạo lý của dân tộc.
Nền giáo dục chính thống của nước ta được tính từ đầu từ thế kỷ thứ 11, bắt đầu bằng nền giáo dục Nho giáo đã đóng góp hết sức to lớn vào sự phát triển của đất nước, của dân tộc cho đến ngày nay. Trong đó, công lao to lớn phải kể đến là công ơn của thầy cô giáo.
Trong xã hội xưa, vị trí người thầy chỉ đứng sau vua: “Quân - Sư - Phụ”, cho thấy người thầy đặc biệt được xã hội kính trọng và tôn vinh; Thầy là biểu tượng của nhân cách cao đẹp, đạo đức chuẩn mực và tài trí hơn người. “Không thầy đố mày làm nên”, “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Trọng thầy mới được làm thầy”... “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… Đó là những câu nói được truyền tụng qua biết bao thế hệ.
Cho nên “Tôn sư trọng đạo” đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp từ ngàn xưa, trở thành truyền thống đạo lý của dân tộc. Xã hội thay đổi và phát triển qua hàng ngàn năm nhưng truyền thống này cho đến nay vẫn được người dân ta gìn giữ như là một nét đẹp văn hóa.
Không gì thay thế được vai trò của người thầy
Ngày nay, mối quan hệ giữa thầy và trò không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt nên sự thể hiện cũng có phần cởi mở hơn nhưng cơ bản không có gì thay đổi. Người thầy vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Cho dù khoa học có tiến bộ, xã hội có hiện đại đến đâu; Cho dù thế giới bùng nổ kỹ thuật số, internet phủ sóng toàn cầu, các thiết bị di động - đặc biệt là sự xuất hiện của Metaverse, của (AI), của blockchain... thì những tiện ích công nghệ cũng chỉ có thể tham gia vào quá trình giáo dục chứ không thể thay thế được vai trò của người thầy.
Song, cũng giống như bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ngày nay cũng ít nhiều bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực. Nó giống như con sâu làm rầu nội canh, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh người thầy, khiến cho xã hội có cái nhìn khác không hay về nền giáo dục.
Chúng ta cần quyết liệt đấu tranh, lên án, loại bỏ những thành phần, những hành vi làm hoen ố mối quan hệ thầy trò, làm xuống cấp nghiêm trọng nền giáo dục của đất nước. Tuy nhiên, cũng không bi quan thái quá, không bôi đen, không phủ nhận sạch trơn công lao của một đội ngũ rất lớn người làm giáo dục hiện đang ngày đêm miệt mài cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, vì tương lai dân tộc. Trước những tiêu cực xảy ra, họ cũng bức xúc và đau lòng không kém.
“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống đạo lý của người Việt Nam mãi mãi không bao giờ mai một. Dù ở đâu, thời đại nào, người thầy vẫn giữ vai trò tối quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Nói như Nhà giáo Chu Văn An: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”.