Bảo vệ hình ảnh của mình cần sự dũng cảm và khôn ngoan
(DNTO) - Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người thầy giáo cũng phải giữ gìn hình ảnh, cũng phải dũng cảm, cương quyết bảo vệ mình. Quyết liệt bảo vệ mình không có nghĩa là phủ nhận sự sơ suất của bản thân. Vấn đề là chúng ta đối diện và ứng xử với nó ra sao để không bị làm tổn thương.
Tôi xuất thân là một giáo viên. Rời mái trường sư phạm thành phố, tôi tình nguyện về tỉnh dạy học. Hồi ấy - cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước - đất nước đang rơi vào thời kỳ khó khăn (dân gian gọi nôm na là “năm đói”), sự xung phong đi dạy học ở vùng sâu vùng xa của đội ngũ giáo viên mới ra trường còn phơi phới tuổi thanh xuân như chúng tôi là một sự hy sinh rất lớn. Nhưng chúng tôi bất chấp hết vì lòng yêu nghề, vì lý tưởng gieo mầm kiến thức cho thế hệ mai sau.
Chúng tôi vượt qua khó khăn, thiếu thốn, vất vả, tất cả vì học sinh thân yêu. Rất nhiều bạn bè tôi vẫn bền bỉ theo nghề cho đến lúc về hưu. Riêng tôi, tiếc mình chỉ đi được nửa đường vì hoàn cảnh riêng. Câu chuyện bắt đầu từ khi tôi sinh con nhỏ, hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn. Tôi nảy sinh “sáng kiến”, bày một số đồ hàng lặt vặt ra một góc sân trường bán cho học sinh. Quầy hàng của tôi buôn bán rất đắt do học trò thương cũng có mà “ngại” nên mua cũng có.
Một năm sau, được nhà trường cho phép, tôi cất hẳn một cái ki ốt hoành tráng. Việc làm ăn ngày càng phát đạt thì bỗng dưng tôi cảm thấy hình như có điều gí đó không ổn. Tôi chợt nhận ra rằng không biết tự bao giờ mình váng vất tính cách của một “kẻ chợ”. Mỗi ngày, tôi đều đặn diễn vỡ tuồng “dưới hai màu áo”. Khi lên lớp, tôi đầy uyền uy, thu hút học trò bằng những kiến thức uyên thâm, bằng sự điệu đà của một cô giáo dạy văn trẻ trung và xinh xắn. Khi đứng trước quầy hàng, học trò là khách hàng, tôi trở nên lắm lời, chiều chuộng…
Tôi nhận ra, ở trong lớp học kia, tôi cho học trò tôi con chữ bằng tất cả nghĩa cữ cao đẹp của một người thầy. Ở ngoài gian hàng này, chúng giúp cho tôi có đồng lãi mưu sinh bằng sự hào phóng của một khách hàng. Tôi giật mình, trong tôi là nỗi niềm trắc ẩn, là một chút hỗ thẹn và mơ hồ hiện ra nỗi sợ hãi.
Thế là sau nhiều trăn trở, tôi quyết định thôi dạy học bởi thu nhập chính để nuôi con của tôi không phải là mấy đồng lương giáo viên còm cõi mà từ những đồng tiền lời ở gian hàng. Quyết định này mang đến cho tôi một chút đau đớn, một chút ngậm ngùi, một chút tiếc nuối và cả một trời buồn bã.
Tôi nghỉ dạy trong hoàn cảnh đó là vì tôi muốn lưu giữ hình ảnh người thầy giáo “phi đời thường” trong lòng học trò tôi. Tôi bước lên bục giảng vì yêu nghề và tôi rời xa bục giảng cũng bởi vì tôi yêu nghề. Tôi không muốn làm tổn thương nghề, không muốn làm tổn thương màu áo sư phạm của tôi và nhất là không muốn làm tổn thương chính mình. Vì thế tôi rời bục giảng. Thật tình tôi rất tiếc nhưng không hối hận.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào người thầy giáo cũng phải dũng cảm, cương quyết bảo vệ mình. Trong hoàn cảnh đó, tôi chọn lựa rẽ sang một lối khác chính là tôi đã tự bảo vệ mình không để bị tổn thương bởi mối quan hệ nhập nhằng giữa thầy với trò và giữa khách hàng với người phục vụ.
Còn nhớ mấy năm trước dư luận đã một phen nhốn nháo vì hình ảnh một cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ gối mà vẫn cam tâm làm theo. Mấy hôm nay lại nổi lên câu chuyện cô giáo Tuất được cho rằng bị trù dập và bị học trò “hành hung” do người khác xách động. Hiện tại dư luận vẫn đang chia làm 2 luồng tranh cãi gay gắt và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chưa có một kết quả điều tra thống nhất nào được đưa ra và được chấp nhận, cho nên chúng ta chưa thể kết luận đúng sai như thế nào.
Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vũ lực nào, dù bị uy hiếp, người thầy giáo cũng phải giữ gìn hình ảnh trong sáng, cao quý, cũng phải dũng cảm, cương quyết bảo vệ mình. Quyết liệt bảo vệ mình không có nghĩa là phủ nhận sự sơ suất trong khi làm nghề. Sơ suất trong công việc là điều hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ ai, thuộc ngành nghề nào. Vấn đề là chúng ta đối diện và ứng xử với nó ra sao. Cần thiết để bảo vệ chính mình nên có một sự chọn lựa thông minh.