Hiệu ứng đám đông: Con dao hai lưỡi
(DNTO) - Hiệu ứng đám đông có sức mạnh liên kết, thôi thúc, khích lệ con người cùng tạo ra những hành vi dẫn đến một xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng nếu rơi vào tiêu cực, hiệu ứng đám đông có thể gây nên những hậu quả rất tai hại, thậm chí có thể giết chết một con người theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Mở đầu giờ triết học, thầy giáo bước vào lớp, sau khi để cặp lên bàn, chưa kịp đáp lại lời chào của học sinh như thường lệ, thầy bước vội vàng ra cửa, ngước nhìn lên khoảng không. Cả lớp nhốn nháo, mới đầu là vài bạn len lén đi ra, sau đó nhiều bạn khác lần lượt rời chỗ ngồi, tất cả đứng sau lưng thấy cùng nhìn theo phía ánh mắt thầy đổ về đó… Chưa ai kịp biết việc gì xảy ra thỉ thầy bước trở vô, cầm viên phấn vừa ghi bảng vừa giới thiệu: “Hôm nay chúng ta học bài: Hiệu ứng đám đông”. Mỗi khi xung quanh xảy ra những tình huống tương tự tôi thường nhớ về tiết giảng của thầy tôi năm xưa.
Hiệu ứng đám đông và ý nghĩa tích cực của nó
Thường trong suy nghĩ của nhiều người hiệu ứng đám đông là một hiện tượng tiêu cực nhưng thật ra không phải, nó có cả mặt tốt và mặt xấu. Rất nhiều việc làm tốt có ý nghĩa có giá trị nhân văn được một cá nhân hoặc tập thể phát ra và sau đó lôi kéo theo nhiều cá nhân, tập thể khác thực hiện. Từ một đốm lửa nhỏ bùng lên thành một ngọn lửa lớn, hun đúc tinh thần tương thân tương ái của đồng bào.
Điển hình có việc quyên góp cứu trợ đồng bào bị lũ lụt của ca sĩ Thủy Tiên hồi năm trước đã tạo lên một làn sóng chung tay hướng về miền Trung ruột thịt. Mới đây là sự kêu gọi cộng đồng ủng hộ kinh phí để mua vaccine ngừa Covid-19 của Đài Truyền hình TP.HCM. Chương trình được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, lan tỏa thành một cuộc phát động lớn.
Một số mô hình khác cũng cần được nhắc tới như mạng lưới quán cơm từ thiện nở ra rầm rộ hiện nay xuất phát từ Quán cơm xã hội Nụ Cười (quán cơm 2.000) của Quỹ từ thiện Bông Sen khai trương ngày 12/10/2012 do nhà báo Nam Đồng khởi xướng. Nhân rộng ra còn có tủ quần áo, tủ bánh mì, thùng nước uống miễn phí… xuất hiện khắp nơi.
Trong cuộc sống đời thường, hiệu ứng đám đông góp phần hình thành nên các thói quen tốt, điều chỉnh hành vi, các chuẩn mực cư xử của con người. Rõ nét nhất là các bạn mầm non mẫu giáo, khi ở nhà thì rất “bất kham” nhưng khi vào lớp thì “đâu ra đó” do thấy tất cả các bạn đều làm như thế, mình không thể làm khác. Hoặc khi vào những nơi công cộng như chùa chiền, nhà thờ, bệnh viện… thì đi nhẹ nói nói khẽ, nhã nhặn, lịch sự là cách hành xử mà đám đông mang lại cho mỗi cá nhân.
Tóm lại, nhìn từ góc độ tích cực, không có hiệu ứng đám đông, xã hội văn minh sẽ sụp đổ. Hiệu ứng đám đông có sức mạnh liên kết thực sự, thôi thúc, động viên, khích lệ con người vươn lên, tạo ra những hành vi, những kết quả tốt đẹp hơn.
Hiệu ứng đám đông khi rơi vào tiêu cực
Tuy nhiên, mặt trái tiêu cực của hiệu ứng đám đông cũng không ít. Nhất là trong thời đại internet phát triển, mạng xã hội lên ngôi như hiện nay. Bất kể sự việc đã kiểm chứng hay chưa, nhiều người cứ phán xét như đúng rồi. Thế là hàng trăm, hàng nghìn người like, bình luận, chia sẻ tạo nên hiệu ứng đám đông thật khủng khiếp, gây nên nhiều phiền toái, oan ức.
Cũng đã có không ít vụ việc do đám đông hiếu kỳ, thiếu hiểu biết đã thúc đẩy sự việc đi đến khó kiểm soát, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Ví dụ như vụ việc xảy ra tại Hải Dương trước đây. Một người đàn ông bị cho là đối tượng thôi miên, bắt cóc trẻ em. Chưa kịp tìm hiểu tận tường sự việc, đám đông kích động đã vây đánh nạn nhân thừa sống thiếu chết… Trong phiên tòa xét xử, nhiều bị cáo cho biết họ nổi giận vì thấy những người xung quanh họ đang giận dữ kêu gào khiến họ tin người đàn ông kia là kẻ bắt cóc thật sự.
Hiệu ứng đám đông là một hiệu ứng tâm lý mang tính dây chuyền, số lượng người tham gia càng nhiều thì kết quả của hiệu ứng càng lớn. Nếu rơi vào tiêu cực, có thể bị chi phối bởi sự sai lệch, gây nên những hậu quả lớn, thậm chí có thể giết chết một con người theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Hiệu ứng đám đông trong kinh doanh
Trong kinh doanh, hiệu ứng đám đông cũng tỏ ra “lợi hại” cho dù xét theo chiều tốt hay xấu. Với những người buôn bán nhỏ lẻ ở chợ, hiệu ứng đám đông được dùng như một “chiêu trò”, họ sử dụng một lực lượng “chim mồi” mặc cả nói cười huyên náo để câu khách.
Ngày nay, hình thức thương mại điện tử phổ biến, các thương hiệu hoàn toàn có thể tận dụng các lượt like, share, comment dựa vào tâm lý tin tưởng người đi trước đã sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của nhãn hàng để thu hút cho mình một lượng khách lớn. Số người e dè chưa muốn hoặc không có ý định mua hàng khi tiếp cận những đánh giá tốt này sẽ dễ dàng bỏ tiền ra. Dựa vào lời đánh giá sản phẩm của đám đông để thu hút khách hàng là chiến lược marketing thông minh và hiệu quả.
Nhưng hiệu ứng đám đông cũng đã từng làm điêu đứng không ít cho ngành sản xuất và tiêu thụ nông sản: Chỉ sau gần nửa ngày, đoạn video đăng tải “xoài mút có chứa ny long bên trong” của một Facebooker đã hút hơn 2,2 triệu lượt xem. Nhiều sạp kinh doanh loại xoài này rơi vào cảnh ế ẩm đìu hiu.
Tương tự như vậy, bưởi gây ung thư vú, khoai lang nhiễm chất độc da cam đã gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề đối với người tiêu dùng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân.
Nhiều doanh nghiệp cũng từng bên bờ vực phá sản vì hiệu ứng đám đông: Thông tin xúc xích Vietfoods chứa chất gây ung thư làm dấy lên làn sóng tẩy chay mặt hàng này khiến doanh nghiệp lao đao ước tính thiệt hại lên đến 10 tỷ đồng chỉ vì những kết luận vội vàng thiếu căn cứ của một đơn vị quản lý thị trường.
Cho thấy, đám đông sẽ tạo được hiệu ứng tích cực có ích cho cộng đồng nhưng ngược lại nó cũng đẩy con người vào những tình huống hết sức thê thảm. Vì thế cần lắm những hiệu ứng đám đông tích cực chung tay vì cuộc sống bình yên và phát triển.