Anh xứng đáng được gọi là anh hùng
(DNTO) - Câu chuyện của chàng trai Nguyễn Ngọc Mạnh đang gây xôn xao mạng xã hội từ hôm qua khiến tôi nhớ đến Nguyễn Đình Chiểu khi xây dựng nên nhân vật Lục Vân Tiên: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Một thời, người Việt ta lấy đó làm phương châm, làm lẽ sống ở đời.
Đã hai ngày trôi qua, hình ảnh bé gái 3 tuổi rơi xuống từ tầng 12A tòa nhà vẫn còn làm mọi người có cảm giác như tim mình bị bóp chặt. Em đã thoát nạn một cách thần kỳ nhờ bàn tay hứng đỡ của một anh tài xế.
Người đàn ông ấy là tài xế Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội). Trong khi đang chuẩn bị đi chở hàng, anh Mạnh nghe nhiều tiếng la hét kêu cứu. Anh thò đầu ra cửa xe quan sát, ngó lên tầng cao, thấy một bé gái đang bám ở lan can, chới với, chực rơi xuống…
Xẹt ngang đầu anh nhanh như một tia chớp là ý nghĩ phải cứu cháu bé. Anh tông cửa xe chạy ra. Chỉ một phút cho toàn bộ tình huống được xảy ra. Anh bật tường, nhảy lên mái tôn ở sân tầng một, cú trượt ngã sấp mặt và cánh tay cố với… Dù đó là một sự cố với trong vô thức, trong cơn hoảng loạn, nó cũng mang một ý nghĩa thật đặc biệt.
Cảnh tượng tiếp theo được camera giám sát ghi lại và lan truyền trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội suốt hai ngày nay đã cho chúng ta thấy rất rõ, em bé đã thoát khỏi tay tử thần một cách thần kỳ như thế nào.
Nhiều tờ báo nước ngoài như Dailymail và Independent (Anh), Unicanal (Paraguay)… báo Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đăng tải, dẫn lại thông tin từ báo chí Việt Nam về sự kiện hy hữu này.
“Anh hùng” là danh xưng mà mọi người ưu ái dành cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Không chỉ với người dân Việt Nam, hành động của anh cũng khiến rất nhiều độc giả đến từ các quốc gia khác nhau bình luận ca ngợi trên một bài báo của trang điện tử Daily Mail.
Nhân dân Việt Nam trìu mến và trân trọng gọi anh Nguyễn Ngọc Mạnh là anh hùng cũng không phải là tâng bốc quá đáng. Anh hùng là phẩm chất vốn có của người Việt ta. Nguyễn Đình Chiểu khi xây dựng nên nhân vật Lục Vân Tiên cũng đã khắc họa được chân dung của một chàng trai: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Một thời, người Việt ta lấy đó làm phương châm, làm lẽ sống ở đời.
Sinh tiền, Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy trong cuộc trò chuyện với viên cựu phi công Mỹ cũng đã tự hào: "Ở đất nước chúng tôi, ra ngõ gặp anh hùng".
Trở lại cuộc sống đời thường, phẩm chất anh hùng của người Việt ta cũng thể nhiện rất rõ.
Cách đây không lâu, chàng trai 20 tuổi, em Trần Văn Tròn, người con của quê hương Quảng Nam được ví là người hùng sau khi vượt sóng dữ cứu 3 em học sinh bị đuối nước tại bãi biển Hà Quảng Đông.
Cũng là dũng cảm cứu người như một anh hùng, bất kể tuổi tác, ông Trần Văn Nghiêm (63 tuổi, Long Biên, Hà Nội) bất chấp nguy hiểm, bắc thang trèo lên cứu sống 6 người mắc kẹt trên mái nhà 3 tầng trong vụ cháy ở chân cầu Vĩnh Tuy (Long Biên, Hà Nội). "Tôi cũng rất sợ nhưng nghĩ đến việc cứu người nên quên hết sợ hãi”, đó là lời chia sẻ của ông Nghiêm.
Được trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” vì đã có hành động gan dạ, kịp thời cứu hai bạn bị đuối nước vào hồi cuối năm ngoái là em Phan Văn Quang học sinh lớp 9 ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Và còn nhiều nhiều lắm những tấm gương anh hùng như thế trong xã hội. Trong số họ, đa phần là những người hết sức bình thường từ xuất thân, nghề nghiệp, địa vị xã hội, như anh tài xế xe tải Nguyễn Ngọc Mạnh, chị bán vé số, anh công nhân, bác bảo vệ… Họ có hoàn cảnh sống rất bình thường, thậm chí có em học sinh dũng cảm cứu bạn nhà rất nghèo không có nổi một góc học tập đàng hoàng nhưng lại học rất giỏi.
Điều đó cho thấy, con người ta hoàn toàn không thể tự mình chọn nơi sinh ra, trong nhiều hoàn cảnh cũng không thể quyết định được sự giàu nghèo, càng không thể tự tạo lấy cơ hội may mắn… nhưng nhất định con người hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình cách sống tử tế, tinh thần nghĩa hiệp, lòng nhân ái, xem việc nghĩa ở đời là trách nhiệm cao cả, thiêng liêng.
Quan niệm về người anh hùng mỗi thời đại có thể khác nhau nhưng căn bản vẫn gắn liền với đạo lý làm người, với câu “kiến ngãi bất vi…”.
Trở lại trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Mạnh, chỉ cần xét về động cơ thôi thúc anh hành động thôi thì anh đã xứng đáng là một Anh hùng.
Thế nhưng sáng nay, khi trên mạng xuất hiện thêm clip ghi cận cảnh cú trượt ngã và cái với tay tích tắc của anh Mạnh. Có nhiều bình luận cho rằng, anh Mạnh không đỡ được cháu bé và bé sống sót được là nhờ sự may mắn khi ngã xuống mái tôn không quá cứng như xi măng. Một số ý kiến cho rằng, báo chí và dư luận đang làm quá lên khi tôn vinh chàng trai...
Lập tức rất nhiều quan điểm được bày tỏ về câu chuyện này. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Phú Thái trên trang facebook cá nhân của mình viết:
" XIN HÃY ĐỂ NGUYỄN NGỌC MẠNH YÊN!
... Tôi kính phục lòng từ tâm, tinh thần quả cảm nhưng hơn nữa chính là việc làm của anh không hề có tính toán để được gì. Và anh ấy rất mong để anh được sống và đi làm tiếp nghề lái xe tải chuyển nhà như vẫn làm để có tiền nuôi con. Vậy nên hãy để anh ấy được sống như ý muốn là cách ứng xử tốt nhất. Xin đừng mất công xỉa xói vào cuộc đời của anh cũng như gia đình cháu bé nữa. Chính quyền đoàn thể đã có ứng xử phù hợp lòng dân khi khen ngợi biểu dương rồi. Mong gia đình anh trở lại cuộc sống yên bình. Mong xã hội ta có nhiều tấm gương làm ấm lòng người như thế này nữa".
CEO Lâm Minh Chánh cũng khẳng khái cho biết:
"... Đoạn clip dài hơn 30 giây đã ghi lại cảnh Mạnh trèo tường, leo lên mái tôn để chuẩn bị đỡ bé gái. Trước khi bé rơi xuống, Mạnh trượt chân ngã trên mái tôn và nhanh chóng đứng dậy khi nhìn thấy bé rơi tự do từ trên cao. Khi bé rơi xuống từ trên cao, một phần cơ thể bé đã chạm vào cánh tay Mạnh, trước khi va chạm mái tôn. Cháu bé nảy lên và rơi thêm một lần nữa. Lúc này, Mạnh ôm chầm lấy bé, tìm cách đưa xuống. Mạnh viết: “Đây là một video mà mình mới nhận được. Thông qua video mọi người đều thấy được mình không hoàn toàn đỡ được em bé, sự việc xảy ra quá đột ngột, mình đã không nhớ rõ được hết các chi tiết. Thành thật mong mọi người thông cảm".(Nguồn Zing và Facebook). Trên MXH trong đa số ý kiến ủng hộ, yêu quý Mạnh, cũng có một số ý kiến trái chiều, phân tích khá “lạnh lùng”. Tôi thì nghĩ rằng: Điều kỳ diệu nhất là cháu bé còn sống và chỉ bị trật khớp, chưa phát hiện những thương tổn, biến chứng lớn nào khác. Rơi từ tầng 12, mà cháu bé vẫn được sống. Đó là 1 điều kỳ diệu. Điều tuyệt vời là Mạnh đã có mặt ở đó, ngay khi cháu bé đang rơi xuống, và đã cố gắng để cứu cháu. Có người cho rằng sự có mặt của Mạnh không ảnh hưởng đến mạng sống của cháu. Mái tôn đã cứu cháu. Tôi thì nghĩ rằng sự có mặt, cứu trợ của Mạnh đã đóng vai trò rất lớn đối với mạnh sống của cháu. Tay của Mạnh đã chạm vào người cháu, và đã giảm rất lớn lực rơi. Và quan trọng hơn, Mạnh đã ôm và đưa cháu bé xuống. Nếu không có Mạnh, cháu có thể lại té một lần nữa. Giả thiết nào cũng có thể xảy ra. Nhưng điều làm chúng ta cảm kích là, với bản năng của con người lương thiện, bản băng của một người cha, Mạnh đã nhanh chóng tìm cách leo lên mái tôn cứu cháu, mà không kịp suy tính gì khác. (May mắn là Mạnh suy nghĩ rất nhanh, rất khoẻ và rất lanh lẹ). Mấy hôm nay, báo đài và công chúng “tung hô” và ca ngợi Mạnh rất nhiều... Đây là một sự ca ngợi, tôn vinh cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn mà một bộ phận không nhỏ trong xã hội “mac ke no” thờ ơ với người khác, làm gì cũng suy tính đến sự hơn thiệt của bản thân. Xã hội luôn cần những hành động của Mạnh như là những tấm gương giúp chúng ta soi rọi, sống tốt hơn, quả cảm hơn và nhân ái hơn.
Mạnh, dù em không đỡ hoàn toàn được cháu bé, nhưng em đã cứu cháu bé. Em thật sự là một người tốt, một tấm gương, tạo cảm hứng cho nhiều người, trong đó có anh. Và em cũng rất khiêm tốn nữa. Anh yêu quý và cám ơn Mạnh rất nhiều!".
Nhà báo Khiêm Phan Nguyễn bày tỏ: "Rõ là không hẳn bạn Mạnh đỡ được cháu bé, rõ là số cháu may mắn, vai trò của Mạnh trong sự kiện này không lớn. Cứ cho như vậy đi. Vậy thì giả sử Mạnh ngồi yên trong xe, không vội vàng trèo lên mái tôn nhằm cứu cháu bé thì sao? Cháu sẽ rơi xuống mái tôn, rơi tiếp xuống đất trong sự quan sát của nhiều người nhưng không ai cứu cháu… Tôi không dám hình dung tiếp hậu quả đó sẽ như thế nào. Nếu kịch bản đó xảy ra thì nó cho thấy tình người, lòng nhân ái, đạo lý… câm lặng. Cả xã hội sống chết mặc bay, chỉ có danh lợi là tồn tại! Liệu chúng ta có sống nổi trong một xã hội như vậy không? Nguyễn Ngọc Mạnh đã cứu chúng ta khỏi nỗi sợ hãi ấy! Chúng ta mang ơn cậu ấy!".
Một lần nữa, Mạnh xứng đáng là một anh hùng trong trái tim mọi người.