Họa từ miệng mà ra
(DNTO) - Cứ mỗi lần dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tình trạng thông tin thất thiệt xung quanh dịch bệnh lại lan truyền, bất chấp hàng trăm trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý trước đây.
Mới đây, ngày 29/1, cơ quan công an đã xử lý 2 trường hợp ở Sơn La tung tin sai sự thật lên trang Facebook cá nhân về tình hình dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền phạt là 15 triệu đồng.
Trường hợp thứ hai là trường hợp lan truyền trên mạng xã hội hình ảnh một tờ khai báo giả, thông tin một người mắc Covid-19 tại TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh đi hát karaoke “có tay vịn”. Nhận định đây là hành vi làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng chống dịch, cơ quan chức năng đang tiến hành truy xét và sẽ xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.
Tương tự, cũng trong ngày 29/1, qua rà quét không gian mạng, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phát hiện thông tin "24h đêm mai phong tỏa Hà Nội", "Hà Nội 24h đêm mai đóng hết cửa ngõ"... lan truyền trên mạng xã hội. Trung tâm khẳng định đây là tin giả (fake news), sẽ chuyển thông tin này đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Câu nói “Họa từ miệng mà ra” với các trường hợp trên đây quả thật không sai chút nào. Trong cuộc sống hằng ngày, những lời lẽ đơm đặt, dựng chuyện hoặc “thêm mắm dậm muối”, thêu dệt nhắm vào một cá nhân, tập thể hoặc tổ chức nào đó nhằm thỏa mãn ý đồ (thường là xấu) của người tung tin vẫn thường hay xảy ra. Những lời nói không được kiểm soát ấy không chỉ khiến cho bản thân người đơm đặt bị phê phán, tẩy chay thậm chí bị xử phạt mà đôi khi còn khiến những người có liên quan rơi vào nghịch cảnh bị thiệt hại nghiêm trọng về tinh thần, vật chất.
Đối tượng hứng chịu những tin đồn ác ý thường bất kể thành phần nào trong xã hội. Tuy nhiên khi nói đến thị phi người ta hay nghĩ ngay đến giới showbiz vì tất cả con người và câu chuyện của cái thế giới ấy đều thuộc về công chúng. Không thể kể hết những thị phi xảy ra trong đời sống showbiz, từ những bí mật đời tư, giới tính, hôn nhân tan vỡ, chuyện quỵt tình - tiền của các sao… đến mối quan hệ chân dài - đại gia, chuyện đổi tình lấy vai diễn… tất tần tật bị moi ra, đơm đặt, phóng đại không thương tiếc.
Công sở cũng là nơi mà miệng lưỡi thế gian tỏ rõ tầm sát thương của nó không kém cạnh gì thế giới showbiz. Bởi vì đấy được xem là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ đặc điểm tính cách, các tình huống bi hài. Chỉ cần hôm nay bạn mặc kiểu váy lạ, chỉ cần một cử chỉ thân thiện của sếp với cô nhân viên mới, chỉ cần hai người “cô nam quả nữ” đi trễ họp cùng một lúc… thế là bao nhiêu tình tiết được suy diễn, bàn luận và thêu dệt thành một câu chuyện có đầu, có đuôi có cao trào, thắt nút, mở nút thật hấp dẫn.
Đặc biệt trong giới doanh nhân, thị phi tỏ ra khốc liệt và nguy hiểm hơn nhiều vì nó liên quan đến vấn đề cạnh tranh “sống còn”. Một tin đồn sai vô tình hay cố ý được lan truyền, có thể làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho một doanh nghiệp, có thể làm cho một ngành nghề nào đó lao đao. Còn nhớ cách đây nhiều năm, tin đồn “ăn bưởi bị ung thư”, chỉ riêng nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang đã bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng trong vòng một tháng.
Mới đây, thông tin giả trên một số trang mạng xã hội cho rằng “Trà thanh nhiệt Dr Thanh hỗ trợ điều trị Covid-19” không chỉ gây cản trở, khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, khiến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải đăng thông báo khuyến cáo mọi người cẩn trọng mà còn khiến doanh nghiệp cũng phải ra thông báo đính chính và cho biết thông tin không chính xác này đã gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp đã có động thái phối hợp các cơ quan chức năng để làm rõ ý đồ xấu của người tung tin đồn trên.
Trong gia đình, với các mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chị em bạn dâu, anh em cột chèo, thậm chí cả trong anh chị em ruột cũng không tránh khỏi điều tiếng thị phi.
Trên thế giới ảo, thị phi cũng có thể tạo thành một cơn bão mạng dữ dội chỉ cần một cú click chuột cho một cái like, một vài lời bình, một chia sẻ thông tin, nó có thể làm thiệt hại đến cuộc sống của cá nhân, của nhiều người, của một tổ chức…
Người chịu tiếng thị phi ngoài những tổn thất về kinh tế thì tổn thất tinh thần với họ là đặc biệt nghiêm trọng. Họ cảm thấy suy sụp, bất an, mất hết niềm tin cuộc sống… thậm chí tự tử.
Lời nói không mất tiền mua, nhưng không vì thế mà chúng ta “hào phóng” sử dụng nó một cách bừa bãi. Nhất là trong tình hình chính phủ cùng toàn dân đang ra sức chống dịch bệnh hướng đến một cái Tết bình an, vui vẻ. Mọi thông tin có liên quan đến dịch Covid-19 nên tham khảo các thông tin chính thống đáng tin cậy.