Chữ tâm trong đời sống và trong kinh doanh
(DNTO) - Hằng ngày chúng ta vẫn nghe mọi người bảo nhau “Sống phải có tâm”. Riêng giới doanh nhân, trong tiêu chí kinh doanh của họ, rất nhiều người đề cập tới phạm trù đạo đức kinh doanh gắn với chữ tâm. Vậy tâm là gì? Chữ tâm trong kinh doanh có khác trong đời sống?
Hiểu theo các nhà nho xưa thì “Tổng bao vạn lự vị chi tâm”, có nghĩa “Bao trùm lên mọi suy nghĩ là cái tâm”. Khác một chút, chữ tâm theo nhà Phật được hiểu là: Con người bao gồm thân và tâm (nói theo ngôn ngữ hiện đại là gồm “phần cứng” và “phần mềm”), “Mọi sự việc đều do tâm tạo ra”.
Nói chung, tâm là một khái niệm trừu tượng, không cầm nắm được, nhưng lại luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Nói người này có tâm, người kia vô tâm là vì thế. Tâm có thiện, có lành, có trong sáng mới dẫn dắt hành động hướng đến việc làm tốt được.
Trong đời thường, tâm được hiểu nôm na là tấm lòng. Người dân Việt Nam ta đặc biệt rất quý trọng chữ tâm. “Sống phải có tâm” là câu cửa miệng của dân ta. Có khi để răn dạy con cháu, có khi để tự răn mình một cách nghiêm túc. Cũng có khi chỉ là câu bông đùa vui vẻ: Chụp (ảnh) hổng có tâm gì hết…
Trong gia tài âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc phẩm Để gió cuốn đi không phải là bài hát hay nhất của ông. Nhưng nó được mọi người rất ưa chuộng bởi ca từ “có tâm” của nó: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...”. Tấm lòng theo ông là sống lương thiện, đối xử tốt với nhau, sống tử tế với nhau.
Chữ tâm còn được đồng bào ta thể hiện một cách rõ rệt nhất trong tình hình đất nước trải qua thiên tai, dịch bệnh vừa qua. Từng mét khối nước được tương trợ lẫn nhau vượt qua mùa hạn mặn, từng cây ATM gạo ra đời giúp bà con giảm bớt khó khăn trong cơn đại dịch, sự chi viện người và của cho Đà Nẵng không may rơi vào tâm dịch, từng đòn bánh tét, từng bao quần áo vượt đường xa mưa gió, bão lũ đến với khúc ruột miền Trung… Tất cả cho thấy chữ tâm chính là nơi cư trú cho mọi hoạt động tinh thần của con người. Nó mang ý nghĩa lương tâm, đạo đức, sự nhân ái, độ lượng, sự cảm thông, chia sẻ, thương người như thể thương thân trong cơn hoạn nạn.
Trong kinh doanh, chữ tâm cũng được các doanh nghiệp thể hiện rất rõ ràng, cụ thể. Nó biến thành tư tưởng, hành động của chính bản thân mỗi doanh nhân. Tùy theo tiêu chí, cách hiểu khác nhau mà chữ tâm được các doanh nhân đưa vào hành động cụ thể của mỗi người. Nhưng tựu trung lại cũng là vấn đề con người và sản phẩm, dịch vụ.
Đem lại sản phẩm, dịch vụ tốt nhất đến với người tiêu dùng, không làm hàng gian hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không lừa bịp, không “lập lờ đánh lận con đen” chính là có tâm trong kinh doanh. Chữ tâm trong kinh doanh còn thể hiện cả trong văn hóa cạnh tranh. Cạnh tranh bằng chất lượng hàng hóa chứ không dùng thủ đoạn cạnh tranh kiểu nói xấu, bôi nhọ, triệt tiêu đồng nghiệp (xin không gọi là đối thủ).
Với con người, chữ tâm được thể hiện trong cách ứng xử của doanh nghiệp đối với khách hàng, của doanh nhân đối với nhân viên, công nhân của mình. Đối với khách hàng không bội tín, không lừa đảo, cung ứng sản phẩm tốt nhất với giá tốt nhất và chế độ hậu mãi tốt nhất. Với cán bộ nhân viên của mình, quan tâm việc làm, chăm lo đời sống cá nhân, chia sẻ khó khăn gia cảnh, giúp họ phát triển, không bạc đãi, không xem thường, không xúc phạm…
Cao hơn nữa là tấm lòng của doanh nhân đối với cộng đồng xã hội, xem việc làm từ thiện là nhiệm vụ, là trách nhiệm, xuất phát từ lương tâm của mỗi doanh nhân.
Trong thực tế, có rất nhiều doanh nhân Việt Nam xem chữ tâm là đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, cuộc sống luôn đan xen giữa cái tốt và cái xấu, cái tích cực và tiêu cực… Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe đâu đó còn xảy ra tình trạng làm hàng giả, hàng bẩn. Vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp vi phạm luật lao động với công nhân. Cũng có vài doanh nghiệp núp bóng từ thiện để quảng bá thương hiệu…
Mong sao mỗi người chúng ta, dù làm bất cứ nghề gì, việc gì, là ai, ở cương vị nào… cũng đều biết tu nhân, tích đức, biết sống tử tế và lương thiện. Nhà Phật gọi đó là tu tâm.