Điều gì giúp VPL của Vinpearl tăng hết biên độ ngày đầu chào sàn HoSE?

(DNTO) - Ngay ngày đầu giao dịch trên HoSE, VPL của Công ty cổ phần Vinpearl đã tăng gần hết biên độ với mức tăng 19,9% và chỉ có 4.800 cổ phiếu được khớp lệnh dù vẫn còn hàng 2 triệu đơn vị nằm ở chiều dư mua.
Cổ phiếu VPL của Công ty cổ phần Vinpearl ngày đầu chào sàn HoSE thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trong bối cảnh nhóm cổ phiếu Vingroup liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng bật tăng mạnh mẽ sau thời gian dài điều chỉnh theo xu hướng giảm.
Phiên 13/5, VPL trở thành cổ phiếu đứng đầu trong 10 cổ phiếu có đóng góp nhiều nhất trong việc nâng đỡ chỉ số VN-Index khi ghi nhận đà tăng tới 19,9% dừng tại 85.500 đồng/co. Lượng cổ phiếu chiều dư mua lớn lên tới 2 triệu cổ phiếu thời điểm chốt phiên trong khi chiều bán ít cho thấy nhu cầu và kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho VPL.

Ảnh minh họa
Mức chào sàn của VPL ngày đầu trên HoSE là 71.300 đồng/cp với gần 1,8 tỷ cổ phiếu niêm yết. Hiện tại VPL thuộc Top 10 cổ phiếu có thị giá lớn nhất trên HoSE, với giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 153 ngàn tỷ đồng, VPL cũng nằm trong Top 10 cổ phiếu có vốn hóa dẫn đầu thị trường.
Hiện tại, cơ cấu cổ đông của HoSE khá cô đặc khi Tập đoàn Vingroup đang nắm giữ tới 85,5% cổ phần, 114 cá nhân trong nước nắm giữ 14,45% tính đến ngày 11/4/2024.
Kỳ vọng từ ngành du dịch
Vinpearl vốn đã là thương hiệu du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí có tiếng trong nước. Thương hiệu này hiện có tới 48 cơ sở hoạt động ở 18 tỉnh thành. Trong bối cảnh du lịch trong nước ngày càng hồi phục thu hút khách nội địa và khách quốc tế, quy mô thị trường giải trí và trải nghiệm tại Việt Nam tăng cao, lượng khách tham quan đến các công viên giải trí được dự báo có mức tăng trưởng kép hằng năm, các doanh nghiệp như Vinpearl đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng.
Ngoài ra, Vinpearl đang sở hữu những lợi thế riêng biệt như sự công nhận và uy tín của các thương hiệu; kinh nghiệm hoạt động và sự tuân thủ các tiêu chuẩn cao; có sức mua lớn để đàm phán các mức giá tốt hơn cho nguồn cung và dịch vụ, tiết kiệm chi phí đáng kể.
"Với sự hợp tác cùng các thương hiệu quốc tế và lợi thế về vị trí đắc địa của các khách sạn/khu nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch hàng đầu Việt Nam, chúng tôi tin rằng sự tăng trưởng của lượng du khách quốc tế và khách du lịch trong nước thuộc tầng lớp trung lưu trở lên sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh của Vinpearl trong giai đoạn 2025-26", báo cáo mới ra mắt của VNDirect cho biết.
VNDirect kỳ vọng mức doanh thu từ mảng kinh doanh khách sạn và giải trí của doanh nghiệp sẽ tăng lần lượt 19,6% và 12,6% so với cùng kỳ, đạt 10.150 tỷ đồng và 11.400 tỷ đồng.
Các chuyên gia cũng lưu ý các rủi ro có thể xảy ra với doanh nghiệp bao gồm: sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu hoặc khu vực; sự gia tăng cạnh tranh từ các đối thủ cùng ngành, ngoài ra cũng cần tính đến việc không duy trì được chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng cao đồng bộ ở các cơ sở.
Năm 2025, Vinpearl đưa kế hoạch doanh thu đạt 14.150 tỷ đồng, và lợi nhuận ròng 1.750 tỷ đồng, giảm lần lượt 2% và 33% so với cùng kỳ. Tuy nhiên năm 2026, mục tiêu doanh thu của VPL là 16.400 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 2.300 tỷ, tăng lần lượt 16% và 31% so với cùng kỳ.
Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập Finpeace cho biết, khá nhiều cổ phiếu có mức tăng mạnh ngay ngày đầu phiên chào sàn. Tuy nhiên theo ông, nhà đầu tư cần cẩn trọng theo dõi thêm, nhất là các nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường.
Ông ví dụ, cổ phiếu Facebook chào sàn cũng phải mất đến 6 tháng mới thật sự ổn định và tìm được giá trị tương đương với giá trị nội tại doanh nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư phải dành thời gian quan sát và hãy để thị trường đánh giá, cho đến khi cung, cầu của cổ phiếu quen thuộc với biến động giá mới tính đến câu chuyện đầu tư.