Nợ xấu 'phình đại', ngân hàng vẫn rộng cửa hỗ trợ doanh nghiệp
(DNTO) - Mặc dù áp lực nợ xấu tăng cao, song xác định mối quan hệ cộng sinh với doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang ứng biến linh hoạt trong việc giảm lãi suất cũng như lùi thời hạn cho vay vốn để trợ lực doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau giãn cách.
Nợ xấu trở lại đỉnh "lịch sử" 1,9% của năm 2017
Thành quả 5 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có nguy cơ bị xoá sổ khi tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại, quay về mức 1,9% như năm 2017.
Thống kê mới nhất từ đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho hay, trung bình, mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm những đơn vị là khách hàng trực tiếp của các ngân hàng.
Cụ thể, giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2016-2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng đã giảm từ 1,99% vào cuối 2017 xuống 1,9% năm 2018 và 1,63% năm 2019.
Tuy nhiên, con số nợ xấu này tăng trở lại lên 1,69% vào cuối 2020 và lên 1,9% cuối tháng 9 năm nay - gần như quay lại mức của năm 2017- trước khi có Nghị quyết 42. Điều này cho thấy tác động ghê gớm của đại dịch.
Nguyên nhân chính là tác động tiêu cực và rộng lớn của Covid-19. Quý 3 vừa qua cũng là quãng cao điểm tác động của đại dịch đối với nền kinh tế khi nhiều tỉnh thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng bị đứt gãy…
Mặt khác, nhận định "sức khoẻ" ngành ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, dự báo sau tháng 6/2022, một lượng không nhỏ các doanh nghiệp sẽ bị đứt gãy dòng tiền... "Vì vậy, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu là cực kỳ quan trọng, nếu không có biện pháp có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung," ông Hùng nói.
Trong khi đó, tính thời điểm đã gần kề khi "cây đũa thần 42" gần hết hiệu nghiệm, bối cảnh càng nóng bỏng khi nợ xấu tăng lên bởi Covid-19, khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng càng trở lên cấp bách.
Do đó, để "gỡ khó" cho ngân hàng, theo các chuyên gia, việc xây dựng chính sách về xử lý nợ xấu có thể thực hiện theo 2 phương án.
Phương án 1: Đề nghị với Chính phủ đề xuất Quốc hội xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Hướng xây dựng luật là tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.
Phương án 2: Kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42, theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc ban hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Trường hợp Quốc hội không đồng ý việc xây dựng luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, để tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, đồng thời tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của các cơ chế về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục có hiệu lực của Nghị quyết 42 với thời hạn 3 năm.
Vẫn rộng cửa hỗ trợ doanh nghiệp
Câu chuyện doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được vay vốn trung - dài hạn với lãi suất thấp chưa khi nào "hạ nhiệt", nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế, vì thực tế hiện nay, lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng phổ biến trong thời hạn 1-6 tháng. Theo đó, nếu có nguồn vốn giá rẻ trung, dài hạn, doanh nghiệp sẽ không phải lo ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất sau thời gian ngắn.
Về vấn đề này, ông Lê Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng cho hay, thời gian qua, để đảm bảo an toàn hệ thống mà vẫn cung ứng vốn tốt cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng duy trì mức độ tăng trưởng tín dụng hợp lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, ông Kiên cho rằng, để có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, xem xét việc lùi tỷ lệ áp dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Trước đó, tháng 8/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 08/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019. Theo đó, lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn” theo Thông tư 22 được lùi lại một năm.
Cụ thể, từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022 giảm còn 37%. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2023 giảm còn 34% và từ ngày 01 tháng 10 năm 2023 là 30%.
"Với tình hình "nợ xấu ngày càng xấu" như hiện nay, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục lùi thời điểm áp dụng Thông tư 08 thêm một năm nữa để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp", ông Kiên cho hay.
Có thể thấy, việc đặt ra vấn đề lùi lại thời hạn áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là phù hợp, đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, sự linh hoạt này cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch, và cũng để tốt hơn cho bản thân các ngân hàng.
Thực tế hiện nay, lãi suất huy động đang ở mức thấp, trong khi các kênh đầu tư khác lợi nhuận cao hơn khiến người gửi tiền đang có sự so sánh phần nào ảnh hưởng đến kênh gửi tiết kiệm. Đứng trước tình hình khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn bền vững hơn nên việc lùi lại thời hạn áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng tạo độ trễ cho ngân hàng có thêm thời gian áp dụng chính sách tốt hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, việc lùi trong bao lâu cũng cần có sự căn chỉnh khéo léo, cân bằng để vừa đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh hoá theo các chuẩn mực quốc tế, vừa hạn chế rủi ro vừa hỗ trợ tích cực nền kinh tế.