Dịch vụ tài chính nông thôn: 'Mảnh đất' tiềm năng cho Fintech
(DNTO) - Với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, khu vực nông thôn được coi là "mảnh đất" tiềm năng cho phát triển dịch vụ Fintech. Việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tài chính cho khu vực này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Khơi thông vốn tín dụng nông nghiệp
Tại Hội thảo “Thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong những năm qua, NHNN luôn xác định tín dụng nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, theo đó, NHNN đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực này.
"Các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư vốn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, lãi suất... cho các khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều hình thức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như gói sản phẩm, dịch vụ cho thu mua chế biến xuất khẩu lương thực, gói sản phẩm dịch vụ dành cho hộ sản xuất...", phó thống đốc cho hay.
Đánh giá về thực trạng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng, cho rằng dịch vụ ngân hàng đang ngày càng phát triển tại khu vực nông thôn, hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam đa dạng về quy mô, tính chất hoạt động và hình thức sở hữu, là lực lượng nòng cốt cung cấp các dịch vụ ngân hàng đến các chủ thể trên thị trường.
Kênh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn liên tục được phát triển, cả kênh truyền thống và kênh hiện đại, từ hệ thống các NHTM, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các công ty Fintech...
“Nhờ vậy, khu vực nông thôn đang ngày càng được chú trọng và khai thác nhiều hơn, đem lại lợi ích kinh tế hài hòa cho cả phía nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm tài chính lẫn người dùng, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo tiền đề phát triển kinh tế bền vững trên phạm vi cả nước”, PGS. TS Nguyễn Thanh Phương nói.
Cũng theo ông Phương, trong xu hướng phát triển nền kinh tế số hiện nay, các công ty Fintech đang dần nổi lên như một trong những đối tác cung cấp dịch vụ tài chính đầy triển vọng ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Nhiều NHTM đã nhanh chóng bắt kịp xu thế, hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ Fintech, cho ra đời các sản phẩm phục vụ thị trường.
"Ngoài các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống, các NHTM đã thực hiện kết nối trực tiếp khách hàng qua phương tiện viễn thông, liên kết thu hộ thuế, thu cước điện thoại, điện nước... Các dịch vụ tiện ích đi kèm thẻ ngày càng được đa dạng hóa như thẻ mua xăng dầu, mua hàng online, triển khai ứng dụng hình thức giải ngân chương trình tín dụng học sinh, sinh viên qua thẻ ATM... Đây là cơ sở để "bùng nổ" phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn", ông Phương nhận định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính sẽ góp phần tăng năng suất lao động, đa dạng hóa sinh kế, giúp người nông dân tăng cường khả năng phục hồi trước các cú sốc bất lợi và tránh bẫy nghèo đói.
"Thời gian qua, đã có nhiều chính sách được triển khai mang lại những tác động rất tích cực như ưu tiên vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn gắn liền với nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình, rút ngắn các thủ tục hành chính, tăng quy mô cho vay không cần tài sản đảm bảo... tạo thuận tiện cho người vay trên cơ sở đảm bảo an toàn cho tổ chức tín dụng; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ tài chính tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...", các chuyên gia nhận định.
"Gỡ rào" để thúc đẩy tài chính toàn diện khu vực nông thôn
Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn bộc lộ những hạn chế: Mạng lưới cung cấp dịch vụ ngân hàng còn tập trung ở khu vực thành thị và thưa thớt ở khu vực nông thôn, việc sử dụng các kênh hiện đại vẫn còn ít, do nông dân chưa quen với phương thức giao dịch không dùng tiền mặt.
Hiểu biết về kỹ năng tài chính còn thấp; không lập được phương án sản xuất nên thường phải thuê làm, khi ngân hàng thẩm định thì người dân không giải thích được, dẫn đến quá trình thẩm định, ký hợp đồng vay vốn triển khai chậm.
Nêu thêm bất cập, theo PGS. TS Nguyễn Thanh Phương, các sản phẩm, dịch vụ tài chính chưa có sự phát triển đồng đều giữa các vùng, phần lớn tập trung ở các thành phố lớn. Điều này hạn chế khả năng sử dụng sản phẩm của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, người dân chưa nhận thức được đầy đủ về rủi ro và giải pháp hạn chế rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như khi sử dụng dịch vụ tài chính phi chính thức...
Do vậy, để tiếp tục thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục triển khai các giải pháp như đẩy mạnh phát triển hệ thống kênh cung ứng, các sản phẩm, dịch vụ mang tính đặc thù, phù hợp với nhu cầu của khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục chủ động đưa ra các giải pháp mới nhằm đóng góp thiết thực cho quá trình cơ cấu lại khu vực nông nghiệp, nông thôn như ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng cho khu vực này, gắn liền với các giải pháp về giáo dục tài chính, xây dựng các chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề xuất bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngân hàng liên kết trong việc phối hợp với ví điện tử, chia sẻ các thông tin nhận biết khách hàng của ngân hàng để ví điện tử có thể tinh giản được các quy trình thủ tục và thông tin khi mở ví điện tử.
"Cần sớm xây dựng đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm định danh cá nhân thuận tiện, an toàn và chính xác; trong đó, cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khai thác dữ liệu công dân có gắn với các yếu tố sinh trắc học trên cơ sở có sự đồng ý của khách hàng nhằm giúp các tổ chức xác thực chính xác khách hàng mở và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán", ông Hùng cho hay.
Nêu quan điểm, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam cho rằng, cần tiến hành điều tra, khảo sát, để hiểu rõ nhu cầu của các nhóm dân cư này; tăng cường hòa nhập tài chính nông thôn, thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn có chiến lược mở rộng giáo dục tài chính đối với khách hàng của mình, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 26 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 4 tổ chức tài chính vi mô. So với năm 2015, năm 2019, các quỹ tín dụng nhân dân phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn đã tăng qua các năm.
Theo báo cáo từ NHNN, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 22% bình quân tín dụng giai đoạn 2016-2020. Riêng năm 2020 (tính đến 31/10/2020), tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.168.852 tỷ đồng, tăng 6,21% so với cuối năm 2019, chiếm 24,89% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Đến cuối tháng 6/2021, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8% so với cuối năm 2020, góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước đạt 3,82%, đóng góp 8,17% GDP cả nước.