Giải pháp nào để 'nối' lại chuỗi cung ứng lao động sau đại dịch?
(DNTO) - Trong phiên họp Quốc hội chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu về xây dựng 3 kịch bản giải quyết thiếu hụt, hỗ trợ lao động sau đại dịch.
3 kịch bản giải quyết thiếu hụt lao động
Với chất vấn của một số đại biểu về giải pháp khôi phục lại thị trường lao động, Bộ trưởng Dung thừa nhận đại dịch tác động mạnh đến lực lượng lao động, dẫn đến thiếu hụt. Theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), đại dịch gây ra khoảng trống về việc làm cho 205 triệu lao động, nên việc đào tạo nghề, đào tạo lại lực lượng lao động là rất cần thiết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo 3 mô hình để học sinh học nghề ngay năm thứ 2 được tham gia sản xuất, được trả một phần chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng là đơn vị trước hết cần tham gia việc đào tạo người lao động, là trường học thứ 2.
Về giải pháp dành cho người lao động về quê, không trở lại thành phố và người lao động quay trở lại các trọng điểm sản xuất công nghiệp, bộ trưởng nhấn mạnh việc xây dựng sàn an sinh thật tốt với người lao động: Việc làm, nơi ăn ở, chỗ gửi con cái và biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động bằng cách tiêm vaccine.
Bộ trưởng chia sẻ thêm, thị trường đang có 2 vấn đề lớn: Đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường; chất lượng lao động thấp dẫn đến năng suất lao động thấp, mức độ đào tạo, bằng cấp của lao động thấp so với khu vực. Thực tế này xuất phát từ việc dự báo cung cầu lao động còn yếu.
“Tôi từng làm việc với TP.HCM và đặt hàng địa phương thử dự báo nhu cầu cung cầu ngắn hạn trong 4 tháng. Kết quả, số người tham gia vào thị trường lao động ở khu vực còn thiếu, đang cần, có mức lương tốt lập tức thay đổi. Vậy nên nếu không nhanh chóng xây dựng công cụ dự báo cung cầu lao động tốt ở cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì thị trường sẽ còn những vấn đề bất cập”, bộ trưởng trình bày.
Theo đó, nêu giải pháp điều tiết để giảm thiểu tác động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng 3 kịch bản. Kịch bản đầu tiên là sử dụng tất cả các đối tượng đang học nghề; tiếp theo là đẩy nhanh tiến trình đào tạo để bổ sung lao động và kịch bản thứ 3 là sử dụng thêm bộ đội nghĩa vụ cho các chuỗi sản xuất.
“Chúng tôi tính toán kịch bản xấu nhất thì phải sử dụng sinh viên trường nghề để thực hiện 3 mô hình; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng để có thể sử dụng bộ phận thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở một số công việc đặc thù, địa phương cần gấp ngay”, ông Dung nói.
Tạo cơ chế "mở" cho tư nhân tham gia bảo trợ xã hội
Ngoài vấn đề về lao động, xã hội còn quan tâm tới việc bảo trợ xã hội. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét, các cơ sở bảo trợ xã hội của Việt Nam vừa qua phát triển khá nhanh nhưng phần đông mới chỉ dựa vào cơ sở công lập là chính.
Khu vực tư nhân mới phát triển cơ sở bảo trợ do các tổ chức tôn giáo, một số mạnh thường quân đứng ra tổ chức, hướng tới cơ sở dành cho người già, người neo đơn.
Nhưng hiện nay, chính sách của nước ta lại chưa đủ mạnh để thu hút tư nhân tham gia làm cơ sở bảo trợ xã hội, đây là vấn đề quan trọng nhất, khó khăn là tiếp cận nguồn lực đất đai.
“Tôi mới nói chuyện với một doanh nghiệp từ nước ngoài về, họ tìm đất để xây dựng viện dưỡng lão nhưng 4 tháng không thể giải quyết. Tôi phải giới thiệu tới một địa phương khác xa hơn”, bộ trưởng nêu thực trạng
Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án về chính sách đảm bảo an sinh xã hội cụ thể với từng đối tượng như người có công, người nghèo, người khuyết tật… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Về triển khai gói 26.000 tỷ thu được gì, bộ trưởng khẳng định đánh giá chung cho thấy chính sách đã đúng hướng, hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian triển khai 4 tháng vẫn còn ngắn vì chỉ 50% nhóm chính sách trong đó là ngắn hạn, chi trả tiền ngay lập tức, còn 50% các chính sách cần thời gian để đo đếm, như hỗ trợ đào tạo nghề, giãn - hoãn các khoản đóng góp.
Bộ trưởng so sánh với chính sách của gói 38.000 tỷ, hầu hết chi trả được ngay, chỉ trong một tuần đầu tiên, tất cả doanh nghiệp thuộc diện đã được hỗ trợ, 75% người lao động cũng đã nhận tiền.
"Với doanh nghiệp xã hội, tôi nhấn mạnh tính chất xả thân trong hoạt động. Theo đó, muốn doanh nghiệp nhóm này làm ăn được, không phá sản thì cần có chính sách riêng, thông thoáng, cởi mở hơn", bộ trưởng cho hay.