Sau gần 2 năm 'đóng băng', đã đến lúc mở lại đường bay quốc tế?
(DNTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, việc lên kịch bản chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế thí điểm như vừa qua là đủ thận trọng, đủ cần thiết. Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục.
Nhiều hệ lụy nếu "chậm chân" hơn các nước trong khu vực
Nhu cầu đi lại giảm kỷ lục trong giai đoạn giãn cách khiến lượng chuyến bay khai thác của các hãng hàng không chỉ đếm trên đầu ngón tay, hoạt động khai thác gần như "tê liệt".
Trước đó, tại Toạ đàm "Giải pháp cấp bách để "giữ cánh" cho hàng không Việt", số liệu cho thấy, chỉ riêng tháng 5 và tháng 6/2021, doanh thu ngành hàng không Việt Nam giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 100% so với năm 2019. Trong khi để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỉ đồng/ngày.Tính tới tháng 6/2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo airways) ước tính lên tới 36.000 tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia, với các hãng hàng không tư nhân, việc tiếp nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại và giải pháp tài chính khác vào lúc này đều khó khả thi nếu không có một cơ chế đặc biệt.
Theo đó, tại toạ đàm cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn sáng nay 10/11, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho rằng, trong bối cảnh phục hồi, các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước đang vô cùng sốt ruột.
Ông Trung nêu 2 lý do: Thứ nhất, gần như tất cả các hãng đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, nếu tiếp tục đóng cửa, thị trường sẽ không có. Nếu tiếp tục duy trì trong thời gian dài nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ bị biến mất trên thị trường. Khi mở cửa trở lại, năng lực cạnh tranh sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài, và khả năng phục hồi lại của thị trường cũng sẽ chậm hơn so với các doanh nghiệp lớn lâu năm.
Thứ hai, xét về cạnh tranh của quốc gia, cạnh tranh điểm đến so với các nước trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu chúng ta chậm chân hơn trong khu vực của chúng ta như các nước Singapore, Thái Lan đã mở cửa khai thác thường lệ và đặc biệt phục vụ cho khách đi đến Thái Lan và Singapore.
"Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiệu quả khai thác giảm sút, nguồn lực dư thừa nên lĩnh vực vận tải hành khách của các hãng đều có xu hướng lỗ, doanh thu trung bình sụt giảm. Dù nhu cầu đi lại của người dân hồi phục nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhưng việc đóng băng mạng bay quốc tế, trong khi mạng bay nội địa hoạt động cầm chừng để theo dõi diễn biến của dịch bệnh, đã khiến cho thị trường hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thừa cung ứng", ông Trung cho hay và nhận định: "Việc chúng ta chậm triển khai các bước mở cửa lại cho khách du lịch sẽ dẫn đến lỡ nhịp cạnh tranh và điểm đến của Việt Nam thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng".
Những căn cứ để mở lại đường bay quốc tế thường lệ
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho hay, đã đến lúc chúng ta phải xem xét mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế. Được biết, từ tháng 9/2020, Chính phủ đã có chủ trương nghiên cứu cụ thể các điều kiện để mở lại các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam với nhiều kịch bản, kế hoạch khác nhau.
“Dặm đường xa ta đang gặp phải bão táp mưa sa do SARS-CoV-2 gây ra. Chúng ta đã có rất nhiều lần định mở rồi lại thôi, và chắc chắn sẽ mở lại trong thời gian tới", ông Cường nói và cho biết, ngày 8/11/2021, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch mở lại chuyến bay quốc tế, đưa khách đến Việt Nam.
Trước đó, Thái Lan và Úc cũng đã quyết định mở cửa biên giới, Mỹ mở cửa biên giới sau 20 tháng, Úc mở cửa biên giới sau 18 tháng. Thái Lan ngày 1/11 có quyết định bổ sung cho công dân 17 quốc gia đến không phải cách ly, trong đó có công dân Việt Nam. Singapore cũng bổ sung 4 quốc gia Đông Nam Á đến không phải cách ly, trong đó có Việt Nam.
"Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Sở dĩ họ làm được như vậy là có quá trình tích lũy kinh nghiệm trong quá trình chống dịch đặc biệt là những tiến bộ trong việc tiêm vắc xin phủ rộng trong khu dân cư để tạo nên sự chống chọi tốt nhất với Covid-19. Việt Nam đang đi theo hướng như vậy, chúng ta đã có những quan điểm thay đổi rất căn bản từ năm 2020 đến nay, từ be bờ đắp đất, "Zero Covid" sang sống chung với Covid an toàn. Quan điểm mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ là linh hoạt, thích ứng như vậy để phát triển kinh tế", ông Cường nhận định.
Cũng theo ông Cường, kế hoạch tái khởi động lại đã được bắt đầu bằng việc tiếp tục các chuyến bay cứu hộ công dân, sử dụng rộng rãi hình thức khách tự trả chi phí cách ly nhập cảnh Việt Nam. Những chuyến bay này triển khai với kế hoạch cụ thể như thế nào sẽ do Bộ Ngoại giao điều tiết, phù hợp với năng lực phòng chống dịch và khả năng tiếp nhận cách ly của các địa phương.
"Chúng ta đã có quyết định thí điểm mở lại du lịch quốc tế. Đây là giai đoạn rất quan trọng để đánh giá thực tiễn, có thể ứng xử với những trường hợp có hành khách là người nhiễm bệnh nhập cảnh. Kế hoạch đó chuẩn bị rất chu đáo suốt từ tháng 5/2021 đến nay, tổng cục du lịch phối hợp với các địa phương chỉ đạo rất quyết liệt và ban hành hướng dẫn cụ thể", ông Cường nói.
Ông Cường thông tin, trong tháng này sẽ có những chuyến bay đầu tiên đưa khách tới Việt Nam. Chúng ta sẽ có giai đoạn tiếp theo mở cửa từng bước, trong đó sẽ có những thị trường trọng điểm mà chúng ta quan tâm và năng lực chống dịch của họ cũng tương đồng với chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, hiện đã là thời điểm phù hợp để mở lại các đường bay quốc tế sau khi cân nhắc nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố.
"Việc mở lại đường bay không chỉ giúp hồi phục ngành hàng không mà còn là vị thế của Việt Nam và sự phục hồi lại của toàn bộ nền kinh tế, xuất phát từ vai trò rất quan trọng của giao thương quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế mở như hiện nay. Việc trung chuyển thuận lợi sẽ là điều kiện tiên quyết để chúng ta sẽ có nhiều hơn đầu tư ngoại tệ đóng góp cho sự phát triển kinh tế", ông Đạt nhận định.
"Phương châm của chúng ta là linh hoạt, chậm nhưng chắc, chúng ta phải chung sống với Covid-19, nhưng không thể có nguồn lực dự trữ để có thể "đóng cửa" mãi được. Việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế như vừa qua là đủ thận trọng, đủ cần thiết. Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục", ông Đạt nêu quan điểm.