Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành để 'trợ lực' cho ngành hàng không
(DNTO) - Sau 4 lần “nhồi sóng” Covid-19, sức chịu đựng của các doanh nghiệp hàng không ngày càng mỏng khi doanh thu sụt giảm trầm trọng, dòng tiền tích luỹ cạn kiệt, trong khi nguồn vốn vay rất khó tiếp cận, nếu không giải cứu sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ cho các nhà cung cấp, trả lương cho lao động...
Căng thẳng dòng tiền vì không "bay" được
Theo báo cáo của các hãng hàng không và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 đã gây thiệt hại nặng nề cho các hãng hàng không. Số lượng chuyến bay và hành khách 6 tháng đầu năm giảm 60-70% so với thời điểm trước dịch. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của các hãng hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.
"Hiện, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng. Nhu cầu tín dụng để trang trải những khoản nợ của các hãng hàng không đang rất lớn. Trong đó, Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000-12.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền", đại diện Hiệp hội Hàng không cho biết.
Ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng Tổng công ty Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất cơ chế hỗ trợ dưới hình thức tái cấp vốn hay vay vốn thì đảm bảo phù hợp với thực tế các hãng hàng không hiện không có tài sản đảm bảo. “Mức độ thua lỗ là rất lớn, các hãng hàng không xây dựng kịch bản phục hồi, tuy nhiên tính chắc chắn là không cao”, ông Hiền nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đến hết năm nay, sức cầu của nền kinh tế nói chung, sức cầu của hàng không nói riêng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Dưới góc độ tài chính, dòng tiền ngành hàng không đang bị cạn kiệt, nếu không giải cứu sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ cho các nhà cung cấp, trả lương cho lao động...
“Cần hỗ trợ cho ngành hàng không cho dù là hãng bay Nhà nước hay hãng bay tư nhân. Việc giải cứu 1 nhóm doanh nghiệp không chỉ mỗi doanh nghiệp đó mà là một ngành công nghiệp. Hàng không là cầu nối kinh tế Việt Nam với thế giới, duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, cho nên giải cứu ngành hàng không là giải cứu rất nhiều ngành nghề khác duy trì để tăng trưởng cho nền kinh tế”, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP.HCM nêu quan điểm.
Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành để gỡ khó cho ngành hàng không
Để tháo gỡ khó khăn, thời gian qua Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp hàng không, tạo ra những tác động tích cực cho ngành. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 lớn hơn dự kiến, vì vậy, để vượt qua khó khăn, ngành hàng không cần được "trợ thở" mạnh hơn nữa.
Theo đó, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có ý kiến về việc triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không.
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có lĩnh vực hàng không để xem xét, nghiên cứu các giải pháp phù hợp quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế theo đúng quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ.
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp, nghiên cứu và kịp thời đề xuất các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực hàng không.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ, với tình hình ngân sách hiện nay, phương án cấp bù lãi suất bằng nguồn vốn ngân sách cũng rất khó khăn. Do vậy, đại diện của bộ đề nghị, ngành ngân hàng tổng hợp ý kiến và kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để cùng tháo gỡ.