Để 'kéo' lao động trở lại, doanh nghiệp phải đảm bảo môi trường làm việc an toàn
(DNTO) - Việc đón nguồn lao động chất lượng trở lại các nhà máy, công xưởng hiện nay và thậm chí thời gian tới sẽ là bài toán đau đầu với các doanh nghiệp. Yếu tố “an toàn” trở thành tiêu chí quan trọng với người lao động khi họ quyết định trở lại hay thay đổi môi trường, địa điểm và tính chất công việc.
Những tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19 đã và đang khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đau đầu giải bài toán đảm bảo an toàn nguồn lực lao động. Bởi khi lực lượng lao động được củng cố dựa trên giá trị văn hóa và chính sách nhân sự ưu việt sẽ trở thành nguồn lực vô giá, tạo nền tảng vững chắc và giá trị cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, ước tính cả nước có trên 15 triệu lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Chỉ tính riêng 21 tỉnh, thành phố phía Nam, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, có gần 20% doanh nghiệp hiện dừng hoạt động, số lao động tạm ngừng việc gần 4 triệu người.
Theo đó, vấn đề đảm bảo an toàn cho nguồn lực lao động tại nơi làm việc cũng như các chính sách an sinh lâu dài đối với người lao động trở thành vấn đề thực tiễn có tính cấp bách hiện nay.
Về vấn đề này, tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp 2021: “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động – nền tảng của phát triển bền vững”, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, Chủ tịch VBCWE, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (VBCSD), cho rằng, nếu chúng ta quan niệm rằng vốn tài chính là huyết mạch của doanh nghiệp, thì vốn nhân lực là trái tim và khối óc của doanh nghiệp.
"Mọi kế hoạch tái phục hồi và tăng tốc phát triển của doanh nghiệp không thể thành công nếu không có một nguồn nhân lực chất lượng cả về thể chất, tinh thần và kiến thức kỹ năng nghề nghiệp.
Theo đó, có thể thấy rằng, đảm bảo an toàn nguồn lực lao động là vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp", bà Thanh nhận định.
Theo bà Thanh, việc tái sản xuất của hơn 10.000 doanh nghiệp tại TP.HCM hiện nay cần tới 2,2 triệu lao động, trong đó hiện tại mới chỉ có hơn 600, vậy câu chuyện an toàn nguồn lực được đặt như thế nào trong câu chuyện an toàn sản xuất kinh doanh?
Bà Thanh đặt câu hỏi và cho rằng, đứt gãy nguồn lực lao động hiện nay trong góc nhìn về sự phát triển bền vững, nằm trong quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động, nếu quan hệ đó chưa bền thì trong cơn bão này sẽ bị cuốn trôi. Còn nếu mối quan hệ đó tốt, sự đứt gãy này có được một chữ "đồng", đó là sự đồng hành, đồng lòng của người lao động đối với doanh nghiệp. Điều đó khiến cho sự kết nối trở lại sau đứt gãy nhanh hơn, tốt hơn. Đây là nền tảng an toàn của nguồn lực lao động.
"Thời gian qua có thể cảm nhận rất rõ sự đồng lòng giữa mọi người với nhau. Sự đồng cảm tạo ra một nguồn vốn xã hội (social capital). Đây là nguồn vốn phi tài chính, là sự chia sẻ giữa nhân viên với lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ với doanh nghiệp và doanh nghiệp với cộng đồng. Sự bền lòng và gắn kết của người lao động càng cao thì doanh nghiệp càng phát triển bền vững, vượt qua thách thức trước mắt cũng như tạo đà tăng trưởng trong dài hạn", bà Thanh cho hay.
Theo bà Thanh, để khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc, doanh nghiệp cần đặt nguồn lực lao động ở góc độ an toàn về môi trường làm việc: Đó là môi trường làm việc xanh, người lao động được an toàn về bệnh dịch, tránh lây lan; an toàn về y tế; sức khoẻ; và an toàn nguồn vốn của lao động.
Đặc biệt, góc nhìn an toàn lao động phải đặt trong an toàn pháp lý: Đó là thiết lập quan hệ lao động một cách chính thống, bền vững, lâu dài thông qua hợp đồng lao động; hỗ trợ các chế độ bảo hiểm, và cần cấu trúc trong chính sách nhân sự, làm thế nào để có chính sách làm việc linh hoạt, từ đó người lao động sẽ an tâm, giúp bảo toàn nguồn lực.
Dưới góc nhìn lạc quan, bà Thanh cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng trở thành một cú hích để các doanh nghiệp nhìn lại hoạt động của chính mình, tạo ra chính sách làm việc linh hoạt, từ giải pháp tình thế thành một xu thế lớn hơn.
"Doanh nghiệp nên thay đổi từ tư duy quản lý lao động, theo thời gian sang tư duy quản trị an toàn và hiệu quả nguồn lực lao động. Đây cũng là bài toán để duy trì lực lượng lao động một cách liên tục và bền vững, tạo điều kiện để ổn định công ăn việc làm cho người lao động giúp doanh nghiệp được phục hồi và trở lại phát triển một cách nhanh hơn, bền hơn, vững hơn", bà Thanh nhận định.